Trách nhiệm trong trường hợp làm cháy rừng

Trách nhiệm trong trường hợp làm cháy rừng

2024-10-18 15:29:03 45

Ngày 2.8 gia đình em có đốt rừng của nhà, rừng sản xuất trồng cây lấy gỗ. Gia đình đã xin phép và được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Đốt từ 6h sáng đến 8h. Đến 10h trưa sau khi đã kiểm tra hết phần rừng đốt cháy đã cháy hết và được đập tắt, không có vấn đề gì xảy ra, gia đình em ra về. Đến 16h chiều phần đất rừng của nhà bên cạnh bốc cháy và người ta nghi cho gia đình em đốt không cẩn thận làm cháy rừng. Sau khi dập tắt lửa cháy. Ngay ngày hôm sau chính quyền địa phương đã vào đi đo và diện tích rừng bị cháy là 1ha.

Vậy cho em hỏi trong trường hợp trên thì gia đình em có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Bị phạt như thế nào và bồi thường cho gia đình kia ra sao?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:

Thứ nhất, vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn đốt rừng từ 6h sáng đến 8h sáng ngày 2/8, đến 16h chiều cùng ngày thì phần đất rừng của gia đình hàng xóm bốc cháy. Tuy nhiên, hiện nay chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến việc cháy rừng của gia đình hàng xóm; do đó, chưa đủ cơ sở kết luận về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của gia đình bạn theo quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

“Điều 243. Tội hủy hoại rừng

1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);

b) Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);

...

đ) Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

e) Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

g) Diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

...”

Trong trường hợp xác định được nguyên nhân cháy rừng của gia đình hàng xóm là do hành vi đốt rừng của gia đình bạn thì có thể xác định hành vi của gia đình bạn là hành vi hủy hoại rừng. Theo đó, căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan công an nếu đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì gia đình bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên. Trường hợp chưa đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi đốt rừng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 10 Điều 17, Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp:

“Điều 17. Vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng gây cháy rừng

...

10. Hành vi cố ý gây cháy rừng, đốt rừng với bất kỳ mục đích gì thì xử phạt theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.”

“Điều 20. Phá rừng trái pháp luật

Hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì (trừ hành vi quy định tại Điều 13 của Nghị định này) mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:

a) Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng thuộc các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có diện tích dưới 3.000 m2;

b) Rừng sản xuất có diện tích dưới 500 m2;

...

đ) Thực vật rừng thông thường trị giá dưới 5.000.000 đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá dưới 4.000.000 đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá dưới 3.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích.

...”

Thứ hai, vấn đề bồi thường thiệt hại:

Theo thông tin bạn cung cấp, gia đình hàng xóm có thể yêu cầu gia đình bạn bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

...”

Tuy nhiên, hiện nay chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cháy rừng của gia đình hàng xóm xuất phát từ đâu. Do đó, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường của gia đình bạn được xác định như sau:

Trường hợp 1: Nếu gia đình bạn có lỗi trong quá trình đốt rừng như không thiết kế đường băng cản lửa, không kiểm tra tàn lửa trước khi ra về hoặc nguyên nhân khác dẫn đến hậu quả gây cháy rừng của gia đình hàng xóm thì gia đình bạn phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 584 nêu trên.

Khi đó, mức bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được Bộ luật Dân sự 2015 xác định như sau:

“Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định.”

Như vậy, thiệt hại của gia đình hàng xóm cần phải được bồi thường kịp thời và mức bồi thường phải tương ứng với thiệt hại thực tế xảy ra. Trong đó, mức bồi thường cụ thể được xác định theo biên bản hoặc kết luân của cơ quan chức năng xác định giá trị thiệt hại và chi phí hợp lý cho việc ngăn chặn, khắc phục thiệt hại.

Trường hợp 2: Nếu qua quá trình điều tra, xác minh các tình tiết, sự kiện cho thấy gia đình bạn không có lỗi dẫn đến thiệt hại của gia đình hàng xóm hoặc xác định rõ thiệt hại đó xảy ra do sự kiện bất khả kháng thì không có căn cứ yêu cầu gia đình bạn bạn bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Từ khóa:  phá rừng

,  

hủy hoại rừng

,  

truy cứu TNHS

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi