Mình là bên media, chuyên quay dựng và làm hình ảnh, mình có một khách hàng, muốn bên mình làm video và poster, tìm mẫu quay theo thoại của bên đó đưa, sau đó bên đó dùng hình ảnh và sản phẩm của bên mình làm, để đi lừa đảo, thì mình có gặp vấn đề gì về pháp luật không.
Nếu mà có vi phạm pháp luật thì sẽ như thế nào vì bên mình làm với khách hàng đó cũng trong một thời gian dài, chủ yếu làm việc online, chưa gặp mặt hay gì, công việc chủ yếu là edit video và chỉnh ảnh poster.
Mời bạn tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi:
Về xử phạt hành chính: Vì thông tin bạn cung cấp không xác định được nội dung video, hình ảnh poster nên chúng tôi xác định hành vi vi phạm dựa trên một số quy định của pháp luật như sau:
Thứ nhất, Có thể bị xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan nếu hành vi làm video, poster vi phạm các quy định sau đây:
Nếu trong video, hình ảnh poster của bạn sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm với mức xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP.
Nếu trong video, poster bạn có hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm với mức xử phạt cao nhất là 10.000.000 đồng theo Điều 10 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP.
Nếu nội dung video, hình ảnh poster có sao chép từ tác phẩm khác mà không được sự cho phép của tác giả thì bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm với mức xử phạt từ 15.000.000 đến 35.000.000 đồng đối với cá nhân theo Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP.
Nếu nội dung video, hình ảnh poster sao chép từ bản ghi âm, ghi hình mà không được sự cho phép của chủ sở hữu thì bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình với mức xử phạt từ 15.000.000 đến 35.000.000 đồng đối với cá nhân theo Điều 27 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP.
Thứ hai, Có thể bị xử phạt về hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP với mức xử phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 nếu sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi sau:
Cung cấp video, poster có nội dung giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân.
Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Cung cấp thông tin bị đặt gây hoang mang trong Nhân dân…
Về trách nhiệm hình sự:
Trường hợp 1: Nếu bạn biết (biết thông qua: thỏa thuận; tìm hiểu và biết được; hoặc một số nội dung buộc phải biết …) khách hàng sử dụng hình ảnh và sản phẩm đó để đi lừa đảo mà vẫn thực hiện việc edit video và chỉnh ảnh poster.
Theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; …”
Như vậy, nếu khách hàng sử dụng hình ảnh, sản phẩm bên bạn làm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu nhưng thuộc trường hợp luật quy định thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp của bạn có thể có dấu hiệu đồng phạm (người giúp sức) và bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh nêu trên nếu biết khách hàng sẽ sử dụng video, poster mà bên bạn làm để lừa đảo, hoặc bạn biết rõ nội dung video, hình ảnh là nhằm mục đích lừa đảo mà bạn vẫn thực hiện.
Trường hợp 2: Nếu không biết khách hàng sử dụng hình ảnh và sản phẩm làm để đi lừa đảo, cũng không xác định được nội dung video, hình ảnh mà mình tạo ra vi phạm quy định của pháp luật (pháp luật quy định không buộc phải biết hoặc không thể biết) thì trong trường hợp này bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò là đồng phạm. Việc xác định hành vi vi phạm cần chờ sự điều tra, đánh giá của cơ quan chức năng và tùy tính chất, mức độ của hành vi mà có các chế tài phù hợp trong trường hợp của bạn
Để thực hiện dịch vụ hoặc được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả, Qúy khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Website: https://luatthangmuoi.com/
Email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: