Thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSD đất khi được nhận thừa kế

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSD đất khi được nhận thừa kế

2024-10-02 10:26:38 73

Sổ đỏ hiện tại bác cả mình đang giữ đứng tên bà mình, bà mất được 5 năm rồi, bà có 7 người con 5 trai 2 gái trong đó một người con trai út đã mất và cậu út mất rồi ấy có 2 người con trai. Lúc bà còn sống thì bà đồng ý chuyển giao mảnh đất bà đang đứng tên cho bác cả việc này được sự đồng thuận của tất cả các con (bà có làm giấy uỷ quyền để bác mình vay vốn ngân hàng, mình có gửi kèm ảnh).

Bây giờ bác cả mình muốn sang tên sổ đỏ từ tên bà sang tên bác thì thủ tục như thế nào?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Thứ nhất, điều kiện để người bác cả được quyền sử dụng thửa đất của bà nội.

Theo thông tin chị cung cấp, bà nội của chị trước khi mất có để lại di sản thừa kế là 1 thửa đất. Thửa đất này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSD đất, đứng tên của bà nội.

Tuy nhiên, khi mất thì bà nội không để lại di chúc bằng văn bản. Khi còn sống, bà có họp gia đình thể hiện nguyện vọng để lại thửa đất cho người con trai cả. Nay bà nội đã mất được 5 năm, do vậy việc thể hiện nguyện vọng bằng miệng như trên, không được thừa nhận có giá trị pháp lý.

Mặc dù bà nội có lập Giấy ủy quyền thời điểm năm 2000, với nội dung đồng ý cho  bác cả thế chấp thửa đất để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, nội dung ủy quyền không thể hiện việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ bà nội sang cho người bác cả, đồng thời giấy ủy quyền này cũng đã không còn hiệu lực pháp lý.

Tại thời điểm hiện tại, để chuyển giao quyền sử dụng thửa đất này cho người bác cả, thì buộc phải thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế. Do không có di chúc,  việc phân chia thừa kế được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

Việc quyết định phân chia  di sản như thế nào sẽ do những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà nội quyết định. Theo thông tin chị cung cấp, chúng tôi xác định ông nội đã mất từ năm 1986, người con út cũng đã mất.

Dù người con út mất trước hay mất sau thời điểm bà nội mất, nhưng do người con út có vợ/con, vì vậy 1 suất thừa kế của người con út này vẫn được chia.

Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, thửa đất là di sản thừa kế do bà nội để lại sẽ được chia thành 7 suất  cho  7 người  thuộc hàng  thừa  kế thứ nhất của người bà nội gồm: 7 người con. Trường hợp người con út mất trước khi người bà nội mất thì người thế vị để hưởng suất thừa kế của họ là những người con, trường hợp người con út mất sau thời điểm người bà nội mất thì suất thừa kế của người con út sẽ do vợ và con của họ thay thế để hưởng.

Về cách thức phân chia di sản thừa kế:

+ Lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế:

Đáng lẽ, toàn bộ thửa đất của bà nội sẽ được chia đều thành 7 phần bằng nhau cho 7 suất thừa kế. Tuy nhiên, nếu nay toàn bộ người thừa kế đều thống nhất để lại di sản cho người bác cả thì có thể lập văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế.

Theo đó, tất cả những người có quyền thừa kế gồm 6 người con của bà nội và vợ/con của người con út (sau đây gọi chung là những người thừa kế), phải tiến hành họp và nếu thống nhất là cùng để lại toàn bộ thửa đất cho người bác cả thì sẽ tiến hành lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Về nội dung: Nội dung văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phải thể hiện thông tin thửa đất, thông tin của tất cả những người thừa kế, nội dung phân chia di sản thể hiện để toàn bộ thửa đất cho người bác cả.

Về hình thức: theo quy định tại khoản 2 Điều 656 Bộ luật dân sự 2015, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phải được lập thành văn bản. Không có quy định buộc phải công chứng/chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chặt chẽ cả về hình thức và nội dung của văn bản này, những người thừa kế nên liên hệ văn phòng công chứng trên địa bàn nơi có đất để thực hiện thủ tục công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

+ Lập văn bản từ chối hưởng di sản thừa kế:

Ngoài ra, nếu có ai trong số những người thừa kế không thể có mặt để cùng lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, thì họ cũng có thể lựa chọn việc lập độc lập 1 văn bản từ chối hưởng di sản thừa kế. Văn bản từ chối hưởng di sản thừa kế cũng nên được lập tại văn phòng công chứng để đảm bảo tính chặt chẽ.

Như vậy, để người bác cả có quyền sử dụng toàn bộ thửa đất, thì nay tất cả những người thừa kế phải  lập văn bản thỏa thuận phân chia với nội dung, để lại toàn bộ di sản cho bác cả, hoặc có thể lập văn bản từ  chối hưởng di sản thừa kế như hướng dẫn nêu trên.

Khi thực hiện việc công chứng  văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế/văn bản từ chối hưởng di sản thừa kế, hồ sơ cơ bản cần chuẩn bị gồm:

  • Giấy chứng tử của bà nội, ông nội, người con út;
  • Giấy khai sinh, căn cước công dân của những người thừa kế;
  • Giấy chứng nhận QSD đất;
  • Các giấy tờ về nhân thân khác theo yêu cầu của văn phòng công chứng.

Thứ hai, về trình tự thủ tục để người bác cả được đăng ký biến động đất đai, đứng tên trên Giấy chứng nhận.

Hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai khi nhận thừa kế gồm:

  • Văn bản về việc thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (gồm văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế/văn bản từ chối hưởng di sản thừa kế/giấy chứng tử và các giấy tờ nhân thân khác của người thừa kế);
  • Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;
  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

Nơi nộp hồ sơ: Hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.

Về nghĩa vụ tài chính: Việc chuyển quyền sử dụng đất do được thừa kế sẽ phát sinh các nghĩa vụ tài chính như sau:

  • Lệ phí trước bạ: Mức nộp là 0.5% x giá trị tài sản.
  • Thuế thu nhập cá nhân: mức nộp là 10% x giá trị tài sản.
  • Các khoản phí thẩm định hồ sơ, phí đăng ký biến động, phí đo đạc (nếu có) được thực hiện theo quy định của UBND cấp tỉnh nơi có đất.

Trong trường hợp nhận thừa kế/tặng cho từ bố mẹ đẻ, hoặc từ anh chị em ruột thì được miễn lệ phí trước bạ theo quy định tại khoản 10 Điều 10 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP, đồng thời được miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ tài chính. Đối  với phần thừa kế mà đáng lẽ ra người em dâu, phần của các cháu (vợ, con của người con út) được hưởng nhưng không hưởng mà tặng cho bác cả thì không được miễn lệ phí trước bạ, không được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi