Tôi thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền tại ngân hàng giúp người quen, nhưng giờ họ không trả được nợ. Tôi muốn tư vấn giờ cần bên vay ký những hồ sơ gì để sau khi ngân hàng thu hồi tài sản thì tôi có thể lấy lại tiền.
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
Theo thông tin chị cung cấp, chị vay tiền tại ngân hàng giúp người quen, điều này tức là hợp đồng tín dụng tại ngân hàng do chị là người ký tên bên vay. Việc vay giúp người quen bằng cách thế chấp tài sản tại ngân hàng như trường hợp của chị tiềm ẩn nhiều rủi ro, do chị vay có đảm bảo bằng tài sản tại ngân hàng như lại cho người quen vay không có tài sản gì để đảm bảo. Nếu người quen này mất khả năng thanh toán, không có tài sản để trả nợ cho chị thì rất khó để đảm bảo quyền đòi nợ của chị sẽ khả thi.
Tuy nhiên do chị đã thực hiện việc cho vay tiền, do đó chúng tôi chỉ tư vấn để chị hoàn thiện các giấy tờ cần thiết để đảm bảo thủ tục kiện đòi nợ tại tòa án. Cụ thể, để đảm bảo quyền lợi của mình, chị cần yêu cầu người quen đó ký giấy tờ nhận nợ với chị, cụ thể là ký hợp đồng vay tiền.
Nội dung chủ yếu của hợp đồng vay tiền gồm:
- Thông tin nhân thân chi tiết của bên vay và bên cho vay, ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, thông tin căn cước công dân, địa chỉ cư trú và số điện thoại liên hệ;
- Thời hạn vay là bao lâu, để khi hết thời hạn cho vay thì chị có quyền khởi kiện đòi nợ. Lưu ý, đối với hợp đồng vay có thời hạn thì chị không được đòi nợ trước hạn, trường hợp vay không có thời hạn thì có quyền đòi nợ bất kỳ lúc nào nhưng phải thông báo trước cho bên vay tiền một thời gian hợp lý.
- Ghi rõ lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất quá hạn là bao nhiêu và nợ gốc cụ thể. Đối với lãi suất cho vay, theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 thì các bên có quyền thỏa thuận tuy nhiên không được vượt quá 20%/năm, tức là 1,67%/tháng.
- Hợp đồng cho vay tiền nêu trên phải được bên cho vay và bên vay ký, ghi rõ họ tên. Trường hợp bên vay tiền đã kết hôn thì cần yêu cầu cả vợ và chồng cùng ký vào hợp đồng vay tiền để sau này có thể khởi kiện cả vợ và chồng thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho chị.
- Đồng thời, tại hợp đồng cho vay cũng cần thể hiện thông tin rằng bên vay tiền đã nhận đủ số tiền vay gốc từ thời điểm nào, hình thức giao tiền là tiền mặt hay chuyển khoản từ ngân hàng? Hoặc các bên có thể ký kết 1 biên bản bàn giao tiền để thể hiện rõ bên vay đã nhận tiền vay từ ngày nào?
Hợp đồng này nên lập thành 3 bản giống nhau, trong đó chị giữ 2 bản và bên cho vay giữ 1 bản. Mục đích lập nhiều bản hợp đồng là để sau này khi khởi kiện, chị nộp cho tòa án 1 bản gốc hợp đồng vay tiền và 1 bản lưu để tránh thất lạc, hư hỏng.
Ngoài ra, nếu bên vay có tài sản gì để đảm bảo thì chị có thể yêu cầu họ ký thêm hợp đồng bảo đảm, ví dụ như thế chấp tài sản, cầm cố xe hoặc yêu cầu người thân của họ bảo lãnh trả nợ thay trong trường hợp bên vay tiền không thể trả được nợ khi quá hạn.
Khi khởi kiện thì tòa án có thể yêu cầu chị cung cấp thêm giấy tờ nhân thân của bên vay, ví dụ như bản sao có chứng thực căn cước công dân. Do đó, nếu bên vay đồng ý, chị có thể yêu cầu họ cung cấp cho chị 1 bản sao căn cước công dân của họ kèm theo hợp đồng vay tiền.
Khi quá thời hạn trả nợ mà bên vay không trả, chị có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp huyện, nơi bị đơn cư trú.
Hồ sơ khởi kiện gồm:
- Đơn khởi kiện (theo mẫu): nội dung khởi kiện do chị trình bày chi tiết và ký đơn;
- Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ Hợp đồng vay tiền;
- Bản sao CCCD của bên vay, bên cho vay;
- Biên bản bàn giao tiền (nếu có).
Lưu ý: Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: