Hiện tại tôi nhập sản phẩm kẹo đóng gói với trọng lượng 5kg/1 gói và 10kg/1 gói và muốn chia nhỏ trọng lượng thành 250gr trên 1 gói thì cần phải đáp ứng các điều kiện như nào để đúng quy định của pháp luật?
Sản phẩm sau khi được sang chiết thì cần đảm bảo các yếu tố nào? Bao bì thiết kế như nào được coi là hợp lệ? Mã vạch sản phẩm sau khi được sang chiết có được phép duy trì mã vạch hàng hóa theo mã vạch của đơn vị cung cấp hàng hóa? Thủ tục đăng ký sang chiết? Bao bì có được phép ghi hết các thông tin sản phẩm theo bao bì của sản phẩm nhập khẩu và bằng ngôn ngữ của nước nhập khẩu? Có phải ghi trên bao bì nơi Nhập khẩu? Và nơi đóng gói?
Mời bạn tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi:
1. Hiện nay theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại sản phẩm với định lượng nhỏ hơn là không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại doanh nghiệp cần đảm bảo các yếu tố sau:
- Sản phẩm là hàng bánh kẹo, do vậy khi thực hiện san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại cơ sở phải đáp ứng các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định tại điều 19 Luật an toàn thực phẩm 2010 và thực hiện việc công bố bánh kẹo nhập khẩu trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
- Theo khoản 6 điều 12 Nghị định 43/2017/NĐ-CP và khoản 3 điều 6 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN thì: “Hàng hóa chỉ thực hiện việc san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai khi được tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa cho phép và phải bảo đảm chất lượng như công bố của nhà sản xuất trên nhãn gốc.” Như vậy khi thực hiện việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại bắt buộc doanh nghiệp phải có sự đồng ý của bên sản xuất.
2. Đối với bao bì sản phẩm hiện nay cũng không có quy định về thiết kế, sử dụng bao bì như thế nào khi san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại tuy nhiên khi san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại cần tuân thủ bao bì nhãn mác của nhà sản xuất để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của hàng hóa và chất lượng sản phẩm đã lưu hành (Trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác) và đáp ứng các nội dung nhãn mác theo điều 7, điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP
“Điều 7. Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa
1. Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
2. ...
3. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
4. Các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh:
...
d) Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến sản xuất hàng hóa.”
“Điều 10. Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa
1. Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:
a) Tên hàng hóa;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
c) Xuất xứ hàng hóa;
d) Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
...”
Đồng thời việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại cũng cần lưu ý bổ sung một số tiêu chí sau:
- Hàng hóa được san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai trên nhãn hàng hóa phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đóng gói, đóng chai và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói, đóng chai.
- Hàng hóa san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Cụ thể phải thể hiện đầy đủ 03 nội dung sau: Ngày sản xuất; Ngày san chia, sang chiết, nạp, đóng gói không được viết tắt; Hạn sử dụng.
Mã vạch sản phẩm là công cụ thực hiện việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, quản lý sản phẩm của doanh nghiệp việc sử dụng lại mã vạch đó có thể được nếu có sự thỏa thuận của bên sản xuất với bên nhập khẩu. Tuy nhiên doanh nghiệp san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại cần tuân thủ quy định ghi xuất xứ hàng hóa theo điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP.
“Điều 15. Xuất xứ hàng hóa
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.
2. ...
Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó không được viết tắt.”
Lưu ý:
Trên đây là nội dung giải đáp về “Quy định sang, chiết trọng lượng đối với sản phẩm Bánh kẹo nhập khẩu” . Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả, Quý khách hàng vui lòng liên hệ số Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: