Quy định của pháp luật Việt Nam về việc mang ngoại tệ tiền mặt khi nhập cảnh vào Việt Nam

Quy định của pháp luật Việt Nam về việc mang ngoại tệ tiền mặt khi nhập cảnh vào Việt Nam

2024-01-16 20:47:36 214

 

Tôi đang muốn cầm khoản tiền đô la Mỹ về Việt Nam tương đương 800 triệu Việt Nam đồng. Số tiền này là tiền làm việc của tôi và khi đi qua hải quan bên nước ngoài sẽ cấp cho mình một cái giấy mang tiền ra khỏi quốc gia họ. Cho tôi hỏi là liệu mình có thể mang số tiền như trên qua hải quan Việt Nam hay không? Có người bảo theo luật thì chỉ được mang không quá 5000 USD vào Việt Nam kể cả có khai báo, điều này có đúng không ? Nếu như có thì cần phải chuẩn bị những giấy tờ như thế nào ?

Ngoài ra, khi mang tiền này vào Việt Nam rồi thì mình có thể đổi tiền ở những chỗ nào, bình thường khi mang ít để tiêu dùng thì mình hay đổi ở tiệm vàng, vậy mình có thể đổi ở đó được nữa không ?

Mời bạn tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi:

1. Mức ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt phải khai báo Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh, nhập cảnh

Căn cứ điều 2 Thông tư 15/2011/TT-NHNN ngày 12/08/2011 quy định việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh quy định như sau:

1. Cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu:

a) 5.000 USD (Năm nghìn Đôla Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương;

b) 15.000.000 VNĐ (Mười lăm triệu đồng Việt Nam).

2. Trường hợp cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng được phép), cũng phải khai báo Hải quan cửa khẩu. Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang vào là cơ sở để tổ chức tín dụng được phép cho gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán.

3. Mức ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam tiền mặt quy định phải khai báo Hải quan cửa khẩu quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với những cá nhân mang theo các loại phương tiện thanh toán, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam như séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và các loại giấy tờ có giá khác.

Theo đó, Mức ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt cá nhân phải khai báo Hải quan cửa khẩu là trên 5.000 USD (Năm nghìn Đô la Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và trên 15.000.000 VNĐ (Mười lăm triệu đồng Việt Nam).  Cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại các Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối (gọi chung là Tổ chức tín dụng được phép) cũng phải khai báo Hải quan cửa khẩu.

Như vậy, pháp luật Việt Nam không hạn chế số lượng ngoại tệ được phép mang theo khi xuất cảnh cũng như nhập cảnh về Việt Nam, anh/chị khi mang theo ngoại tệ có giá trị tương đương 800.000.000 VNĐ khi nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế tại Việt Nam nhưng phải thực hiện thủ tục kê khai được thực hiện tại Hải quan cửa khẩu trên Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang vào là cơ sở để tổ chức tín dụng được phép cho gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán.

2. Mua bán ngoại tệ tại Việt Nam

Căn cứ Khoản 1 Điều 13 Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài theo các quy định tại Nghị định 70/2014/NĐ-CP, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt.

Trong đó:

- Người cư trú là tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng sau đây:

+ Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010;

+ Tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức kinh tế);

+ Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam;

+ Văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức nêu trên;

+ Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài;

+ Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam; công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng; công dân Việt Nam làm việc tại các tổ chức là văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài và cá nhân đi theo họ;

+ Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài;

+ Người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam không kể thời hạn là những trường hợp không thuộc đối tượng người cư trú;

+ Chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức kinh tế nước ngoài, các hình thức hiện diện tại Việt Nam của bên nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.

- Người không cư trú là các đối tượng không quy định nêu trên.

- Tổ chức tín dụng được phép là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định tại Pháp lệnh ngoại hối 2005.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên thì cá nhân là công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam có ngoại tệ tiền mặt được quyền bán các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định tại Pháp lệnh ngoại hối 2005.

Như vậy, việc bán ngoại tệ tại Việt Nam phải được thực hiện tại các địa điểm được phép mua ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định tại Pháp lệnh ngoại hối 2005. Trường hợp bạn thực hiện đổi tại tiệm vàng (Không phải là Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép) là bất hợp pháp và bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt đối với cá nhân mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ như sau:

- Xử phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

+ Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với trường hợp:

+ Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

+ Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;

- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với trường hợp:

+ Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

+ Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 đôla Mỹ đến dưới 100.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

- Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với trường hợp:

+ Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

+ Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 đôla Mỹ trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);

- Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với trường hợp không bán ngoại tệ thu được cho tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

Lưu ý:

Trên đây là nội dung giải đáp về Quy định của pháp luật Việt Nam về việc mang ngoại tệ tiền mặt khi nhập cảnh vào Việt Nam . Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả, Quý khách hàng vui lòng liên hệ số hotline 093.650.0818

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

 

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi