Phí bảo vệ môi trường đối với đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình

Phí bảo vệ môi trường đối với đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình

2024-09-30 12:52:25 119

Xin chào Luật sư! Luật sư tư vấn giúp tôi về các quy định đối với vấn đề nộp phí bảo vệ môi Trường tại địa bàn tỉnh Bắc Kạn đối với hoạt động khai thác đất. Mức phí được quy định tại điều khoản nào và các văn bản liên quan, cách tính phí cụ thể như thế nào? Tôi chân thành cảm ơn!

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Căn cứ theo khoản 2 Điều 136 Luật Bảo vệ môi trường 2020, phí bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường; khai thác khoáng sản hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường; dịch vụ công thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;

b) Mức phí bảo vệ môi trường được xác định trên cơ sở khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường, đặc điểm của môi trường tiếp nhận chất thải; mức độ tác động xấu đến môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản; tính chất dịch vụ công thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường;

c) Việc ban hành, tổ chức thực hiện quy định về phí bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.”

Theo đó, hoạt động khai thác khoáng sản không kim loại là đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình thuộc trường hợp phải nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Về đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoang sản:

Điều 4 Nghị định 27/2023/NĐ-CP quy định người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật khoáng sản.

- Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài được phép khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than trên cơ sở hợp đồng dầu khí hoặc thực hiện dịch vụ dầu khí theo quy định của pháp luật dầu khí.

- Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp phí thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp phí.

Như vậy, theo thông tin chị cung cấp thì đơn vị chị có hoạt động khai thác đất để san lấp, xây dựng công trình. Đây là hoạt động khai thác khoáng sản và phải thực hiện việc nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 4 Nghị định 27/2023/NĐ-CP nêu trên. Trường hợp khai thác đất, đá để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, phòng chống thiên tai, khắc phục thiên tai thì được miễn nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

Về mức phí bảo vệ môi trường và cách tính phí.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 27/2023/NĐ-CP, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo Biểu khung mức thu phí ban hành kèm theo Nghị định 27/2023/NĐ-CP.

Trong đó, đối với khoáng sản không kim loại là đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình, mức thu phí được quy định từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/m3. Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh sẽ quyết định cụ thể mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại địa phương phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.

Theo quy định tại Nghị quyết số 21/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, mức thu phí cụ thể đối với đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình là 1.500 đồng/m3.

Cách tính phí bảo vệ môi trường nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau:

Điều 7 Nghị định 27/2023/NĐ-CP quy định về công thức tính phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản như sau:

F = [(Q1 x f1) + (Q2 x f2)] x K.

Trong đó:

F: số phí bảo vệ môi trường phải nộp trong kỳ (tháng).

Q1: khối lượng đất đá bóc, đất đá thải trong kỳ nộp phí (m3). Khối lượng đất đá bóc, đất đá thải trong kỳ nộp phí được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 158/2016/NĐ-CP, Điều 14 Thông tư 17/2020/TT-BTNMT.

f1: mức thu phí đối với số lượng đất đá bóc, đất đá thải: 200 đồng/m3.

Q2: tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai khai thác thực tế trong kỳ nộp phí (tấn hoặc m3). Tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai khai thác thực tế trong kỳ nộp phí (Q2) được xác định theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.

f2: mức thu phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc đồng/m3). Mức thu phí cụ thể đối với hoạt động khai thác khoáng sản được HĐND tỉnh Bắc Kạn ban hành tại Nghị quyết số 21/2017/NQ-HĐND. Theo đó, mức thu phí đối với đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình: 1.500 đồng/m3;

K: là hệ số tính phí theo phương pháp khai thác, trong đó:

- Khai thác lộ thiên (bao gồm cả khai thác bằng sức nước như khai thác titan, cát, sỏi lòng sông, suối, lòng hồ thủy điện, thủy lợi, cửa biển): K = 1,1.

- Khai thác hầm lò và các hình thức khai thác khác (khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, nước khoáng thiên nhiên và các trường hợp còn lại): K = 1.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi