Gia đình tôi trước đây có 5 người: ba và mẹ tôi, 1 chị gái, 1 em gái và tôi. Trước khi ba và chị gái tôi qua đời. Ba và mẹ có làm di chúc là nếu 1 trong hai người ba hoặc mẹ tôi mất. Tài sản nhà cửa sẽ thuộc người còn lại sở hữu. Khi cả hai mất đi chị gái và em gái mỗi người sẽ được 30% giá trị tài sản, còn tôi được 40% gia trị tài sản. Năm ngoái, ba và chị gái tôi cùng mất đi. Tôi có một số thắc mắc sau:
1. Chị gái tôi đã qua đời trước mẹ tôi. Khác với dự tính trong di chúc. Như vậy, di chúc còn hiệu lực không?
2. Nếu di chúc còn hiệu lực, sau này khi mẹ tôi qua đời. Theo pháp luật, tôi và em gái tôi sẽ đươc phân chia thế nào? phần tài sản của người chị tôi sẽ được phân chia thế nào cho tôi và em em gái tôi?
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:
Thứ nhất, về hiệu lực di chúc của bố anh:
Tại Điều 643 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hiệu lực của di chúc như sau:
“1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.”
Theo quy định nêu trên, di chúc không có hiệu lực một phần trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc thì phần thừa kế liên quan đến người này sẽ không có hiệu lực pháp luật.
Hiện tại, bố anh đã chết trước do đó theo nội dung di chúc thì phần di sản của bố anh sẽ do mẹ anh thừa hưởng, phần tài sản này của bố không được định đoạt cho các con nên việc người con gái chết cùng bố anh không ảnh hưởng đến hiệu lực di chúc của bố anh.
Thứ hai, về việc phân chia di sản khi di chúc của mẹ anh phát sinh hiệu lực:
Theo quy định của pháp luật, sau khi chị anh chết, mẹ anh có thể sửa đổi, bổ sung nội dung của di chúc. Trường hợp mẹ anh không thực hiện thủ tục sửa đổi, hủy bỏ di chúc thì việc phân chia di sản thừa kế được thực hiện như sau:
Đối với phần di chúc vẫn phát sinh hiệu lực thì sẽ được phân chia theo nội dung di chúc. Do chị gái anh chết cùng thời điểm với bố và chết trước mẹ nên 30% di sản định đoạt trong di chúc cho chị gái anh không có hiệu lực pháp luật. Phần 30% di sản này sẽ được phân chia theo pháp luật theo quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:
“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
…
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”
Căn cứ theo quy định này thì phần di sản này được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ anh, bao gồm: ông, bà ngoại (nếu còn sống tại thời điểm mẹ anh chết) và tất cả các con của bà. Mỗi người được hưởng một phần tài sản bằng nhau.
Nếu người chị gái chết trước mẹ anh đã có con thì các cháu sẽ thay mẹ mình hưởng một phần di sản thừa kế theo pháp luật theo hình thức thừa kế thế vị. Tức trong trường hợp này những người được hưởng phần di sản chia theo pháp luật bao gồm: anh, em gái anh, các con của chị anh (được hưởng một phần), ông bà ngoại (nếu còn sống tại thời điểm mẹ anh chết).
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: