Người chết để lại nhiều di chúc thì di chúc nào có hiệu lực pháp luật?

Người chết để lại nhiều di chúc thì di chúc nào có hiệu lực pháp luật?

2024-11-22 11:14:51 41

Cách đây hơn chục năm Bố Mẹ tôi có làm di chúc để lại toàn bộ căn nhà cho anh trai tôi, sau đó bố tôi đã qua đời. Cách đây 5 năm anh trai tôi đã đi định cư tại Mỹ và mang theo toàn bộ giấy tờ chủ quyền sử dụng đất, hộ khẩu cùng CMT của mẹ tôi vì sợ mẹ tôi không quản lý được. Mẹ tôi khi đó đã 85 tuổi. Trong thời gian này mẹ tôi nhập viện vì khó thở, khi đó BS bệnh viện ghi trong bệnh án của mẹ tôi: ...Lú lẫn tuổi già. Trên giấy ra viện có ghi có giá trị 1 năm, nay mẹ tôi đã qua đời.

Nay anh trai tôi về Việt Nam, muốn làm chủ quyền sang tên thì có 2 cô giúp việc, đưa di chúc ra. Cô nào cũng được mẹ tôi cho 20% căn nhà nêu trên. Cả 2 bản di chúc đều được lập tại nhà mẹ tôi, bản nào cũng có 2 người làm chứng. Anh trai tôi chỉ thấy bản chụp giấy ra viện không có bản gốc. Và một tình tiết nữa năm 2017 mẹ tôi có làm di chúc cho chị gái tôi 20% căn nhà nêu trên có ra công công chứng đầy đủ, khi đó anh trai tôi biết và đã không đồng ý vì thật ra căn nhà đó là của anh trai tôi bỏ tiền ra xây dựng toàn bộ, nên mẹ tôi đã xé bỏ bản di chúc đó đi trước mặt anh chị tôi, vậy bây giờ anh tôi muốn làm hợp thức hoá căn nhà nên trên thì phải làm sao. Xin cảm ơn.

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi: 

Trước khi xác định anh trai anh có được thực hiện thủ tục sang tên đối với toàn bộ tài sản thừa kế của bố, mẹ anh hay không cần phải xác định hiệu lực của di chúc mà bố, mẹ anh đã để lại.

Thứ nhất, về vấn đề di chúc chung của bố mẹ anh:

Theo thông tin anh cung cấp, cách đây 15 năm, bố mẹ anh có lập di chúc chung của vợ chồng để định đoạt tài sản thuộc sở hữu của ông bà cho anh trai anh sau khi ông bà mất. Do vậy, chúng tôi căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005 để xác định hiệu lực của di chúc này. Cụ thể, theo quy định tại Điều 668 Bộ luật dân sự 2005 thì “Di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực tại thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.”

Ngoài ra, tại Điều 664 Bộ luật dân sự 2005 có quy định về Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ, chồng như sau:

“1. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.

2. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.”

Căn cứ theo quy định nêu trên thì khi lập di chúc chung, vợ, chồng vẫn có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.

Đối chiếu với trường hợp của anh, mặc dù bố mẹ anh cùng lập di chúc chung nhưng sau khi bố anh mất, mẹ anh vẫn được quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ di chúc liên quan đến phần tài sản của mình bất cứ lúc nào. Khi bố anh mất, phần di chúc của bố anh sẽ phát sinh hiệu lực, khi đó, tài sản chung của bố mẹ anh sẽ chia đôi, ½ tài sản thuộc sở hữu của ông sẽ được để lại cho anh trai anh theo nội dung di chúc.

Đối với ½ tài sản thuộc sở hữu của mẹ anh, sau khi bố anh mất, mẹ anh đã lập nhiều bản di chúc khác cụ thể vào các năm 2017, 2019 và 2020. Do vậy, đối với việc phân chia thừa kế đối với ½ tài sản của mẹ anh, cần xác định lại hiệu lực của từng di chúc mẹ anh lập sau khi bố anh mất.

Thứ hai, về hiệu lực của các di chúc mẹ anh lập cho 2 người giúp việc và chị gái:

Với các di chúc mẹ anh lập được lập vào thời điểm Bộ luật dân sự 2015 đang có hiệu lực, do đó để xác định các di chúc này có hợp pháp hay không cần căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể, tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về di chúc hợp pháp như sau:

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

…”

Như vậy, để xác định một di chúc có hợp pháp hay không thì phải căn cứ vào tình trạng của người lập di chúc, nội dung, hình thức di chúc phải phù hợp với quy định pháp luật.

Đối với di chúc mẹ anh lập di chúc bằng văn bản được công chứng tại cơ quan có thẩm quyền để lại 20% di sản của mẹ anh cho chị gái.  Nếu di chúc này đáp ứng được quy định tại Điều 636, 637 Bộ luật dân sự 2015 thì có căn cứ xác định di chúc này là phù hợp với quy định. Việc mẹ anh xé bản di chúc này không phải là căn cứ xác định di chúc không có hiệu lực pháp luật.

Đối với hai di chúc được lập để lại 20% di sản cho mỗi người giúp việc là di chúc có người làm chứng. Di chúc này được xác định là hợp pháp khi tuân thủ theo quy định tại Điều 634 Bộ luật dân sự 2015 cụ thể như sau:

Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này.”

Căn cứ theo các quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp của anh, nếu cả 03 di chúc khi lập đều đáp ứng được điều kiện về di chúc hợp pháp theo quy định của pháp luật thì cả 03 di chúc sau này đều được xác định là hợp pháp.

Ngoài ra, theo nội dung anh cung cấp, cả 4 di chúc này đều định đoạt liên quan đến phần di sản thừa kế của mẹ anh trong khối tài sản chung của vợ chồng. Do vậy, cần phải xác định được cụ thể nội dung của cả 04 bản di chúc.

Do không được đọc chi tiết nội dung và anh chỉ cung cấp thông tin mình được đọc và nhớ lại 03 bản di chúc do đó, trong 03 bản di chúc sau này, nếu nội dung bản di chúc sau không mâu thuẫn với nội dung di chúc trước, nội dung các di chúc sau không thể hiện thay thế hay hủy bỏ di chúc trước đó, đồng thời mỗi một di chúc lại định đoạt một phần khác nhau trong khối tài sản của mẹ anh thì có căn cứ để công nhận cả 04 bản di chúc này. Khi đó, cả anh trai anh, chị gái anh và hai người giúp việc đều được hưởng di sản thừa kế theo nội dung di chúc. Cụ thể: chị gái anh và 02 người giúp việc mỗi người được hưởng 20% tài sản của mẹ anh để lại; anh trai anh được hưởng 40% (do 60% tài sản đã được mẹ anh định đoạt cho 03 người khác nhau theo các nội dung di chúc). Tài sản mẹ anh để lại là ½ tài sản trong khối tài sản chung của bố và mẹ.

Tuy nhiên, theo thông tin anh cung cấp, trong nội dung bệnh án của mẹ anh thì cơ quan y tế có thẩm quyền xác định mẹ anh bị mắc chứng bệnh lú lẫn tuổi già. Vì vậy, nếu trong trường hợp có tranh chấp về việc phân chia thừa kế xảy ra, để đảm bảo quyền lợi của mình, anh trai anh cần có căn cứ chứng minh tại thời điểm lập các bản di chúc đó mẹ anh vẫn đang mắc các bệnh này dẫn đến ý chí không được minh mẫn, sáng suốt. Khi chứng minh được vấn đề này thì có căn cứ để anh trai anh yêu cầu Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền xem xét không công nhận 03 bản di chúc này, khi đó, chỉ có bản di chúc được lập năm 2007 có hiệu lực, toàn bộ di sản của mẹ anh sẽ được chia cho anh trai anh theo nội dung di chúc.

Như vậy trong trường hợp của anh hiện tại do có 02 người giúp việc đang yêu cầu phân chia di sản thừa kế của mẹ anh theo di chúc của bà, do đó anh trai anh chưa thể thực hiện thủ tục sang tên toàn bộ căn nhà. Trường hợp này để giải quyết mâu thuẫn các bên có thể khởi kiện đến Toà án nhân dân cấp quận (huyện) để xác định cụ thể hiệu lực của các di chúc. Từ đó làm căn cứ để phân chia thừa kế theo quy định.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Từ khóa:  hiệu lực di chúc

,  

hủy bỏ di chúc

,  

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi