Mua xe trả góp không trả tiền đúng hạn bị khủng bố tinh thần phải làm sao?

Mua xe trả góp không trả tiền đúng hạn bị khủng bố tinh thần phải làm sao?

2024-10-18 16:15:54 63

Em có mua 1 chiếc xe máy với giá là 57.000.000 với cách thức trả góp. Em có đưa trước với số tiền là 15.000.000 còn lại 42.000.000 thì được giới thiệu vay bên ngân hàng và nhân viên bên ngân hàng có tư vấn cho em góp 24 tháng với số tiền em phải đóng là 2.831.000 mỗi tháng và tháng cuối em phải đóng là 2.961.000.

Từ khi mua xe em vẫn đóng đều hàng tháng, đến nay chỉ còn 5 tháng nhưng đợt vừa rồi do nhiều việc nên em quên chưa đóng kịp, 2 ngày sau em nhận được điện thoại tự nhận là nhân viên ngân hàng yêu cầu em đóng tiền thì em có bảo sẽ đóng trong ngày hôm đó. Tuy nhiên, chưa kịp đóng thì em nhận được tin nhắn đe doạ em và gia đình em yêu cầu em phải thanh toán trước 17h nếu không thì em và gia đình em cẩn thận và chửi em và gia đình.

Qua hôm sau em và gia đình em liên tục nhận được các cuộc gọi tự nhận là nhân viên ngân hàng yêu cầu phải thanh toán và những tin nhắn đe doạ. Trong thời gian này anh của em đi làm thì có bị đánh phải nhập viện. Đến nay liên tục ngày nào em cũng nhận hơn 10 cuộc gọi yêu cầu thanh toán nếu không sẽ tố cáo em với cơ quan công an kinh tế gì đó với tội lừa đảo nhân viên của họ và còn nói ra đến nơi em ở thu hồi xe. Nhưng khi nói với họ những tin nhắn và các cuộc gọi thì họ đều phủ nhận không phải và kêu em đem lên báo công an còn họ không biết gì đến yêu cầu em phải thanh toán.

Như vậy luật sư tư vấn giúp em trong trường hợp này em phải làm sao và có bị thu hồi xe và có vi phạm pháp luật hay không ạ? Và với việc em mua xe góp hàng tháng với số tiền đó thì lãi suất có phải quá cao so với lãi suất mà nhà nước đưa ra không ạ? Em xin cảm ơn luật sư.

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:

Thứ nhất, về việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng vay tài sản

Theo thông tin anh cung cấp, hiện tại anh đang mua bán xe theo hình thức trả góp tại ngân hàng. Trường hợp này có thể xác định giữa anh và bên ngân hàng phát sinh quan hệ vay tài sản theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể Điều 463 quy định như sau:

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

…”

Căn cứ theo quy định pháp luật nêu trên, anh có trách nhiệm trả đủ khoản tiền các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp anh không thực hiện thanh toán đúng hạn thì có căn cứ để xác định anh đang vi phạm pháp luật dân sự. Khi đó, bên cho vay có quyền xử lý các tài sản thuộc sở hữu của anh đang được thế chấp tại bên cho vay (nếu có) theo thỏa thuận hoặc khởi kiện dân sự đến tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như nội dung anh cung cấp thì theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) cá nhân bị khởi tố với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi có hành vi cố tình đưa ra thông tin gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Đối chiếu với các thông tin anh cung cấp, việc anh vay tiền nhằm phục vụ mục đích mua xe, không có hành vi gian dối do đó chưa đủ căn cứ để xác định anh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với việc có người thường xuyên gọi điện cho anh và gia đình, nếu bên gọi điện gọi điện liên tục, hoặc thường xuyên gọi vào thời nghỉ ngơi vi dụ như thời gian vào ban đêm…, trong nội dung có thể hiện rõ các thông tin đe dọa, xúc phạm danh dự nhân phẩm của anh và gia đình… thì hành vi này có thể bị xử lý theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Để xử lý hành vi trên, anh có thể trình báo đến cơ quan công an nơi mình đang cư trú để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Tuy nhiên, anh cũng cần lưu ý việc xử phạt chỉ được áp dụng khi cơ quan có thẩm quyền xác định được cụ thể người thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên.

Về việc thu hồi chiếc xe, nếu khi ký hợp đồng vay tài sản các bên có thỏa thuận về nội dung thế chấp chiếc xe thuộc sở hữu của anh để đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả thì có căn cứ để xác định các bên phát sinh thêm quan hệ thế chấp trong hợp đồng vay tài sản. Việc chiếc xe này có bị thu hồi khi anh vi phạm nghĩa vụ thanh toán hay không còn phụ thuộc vào nội dung các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng vay tài sản.

Nếu trong hợp đồng các bên có thỏa thuận nội dung trong trường hợp anh vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận bên cho vay được quyền thu hồi tài sản và xử lý tài sản thì có căn cứ để bên ngân hàng thu hồi lại tài sản là chiếc xe của anh. Trong trường hợp này, anh nên kiểm tra lại nội dung hợp đồng các bên đã ký kết để xác định lại vấn đề thu hồi và xử lý tài sản của bên cho vay theo như nội dung đã phân tích trên.

Thứ hai, về vấn đề lãi suất

Tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về lãi suất như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác….”

Theo quy định pháp luật nêu trên, lãi suất các bên cho vay không vượt quá 20%/năm. Tuy nhiên, lãi suất 20%/năm này chỉ áp dụng đối với khoản vay mà bên cho vay là cá nhân hoặc tổ chức không phải là tổ chức tín dụng. Nếu bên cho vay là tổ chức tín dụng thì lãi suất trong hợp đồng vay sẽ được điều chỉnh bởi luật các tổ chức tín dụng.

Với trường hợp của anh, bên cho vay tài sản là Công ty Tài chính và thuộc đối tượng áp dụng của luật các tổ chức tín dụng.

Tại Khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng như sau:

“Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

…”

Bên cạnh đó, tại Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN có quy định về lãi suất cho vay như sau:

“1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.”

Căn cứ theo các quy định nêu trên, có thể xác định lãi suất cho vay giữa cá nhân với tổ chức tín dụng không được áp dụng theo theo quy định của pháp luật dân sự (lãi suất tối đa 20%/năm) mà lãi suất được áp dụng theo thỏa thuận giữa khách hàng và công ty tài chính, mức lãi suất này có thể cao hơn mức lãi suất 20%/năm và việc cho vay với lãi suất cao hơn này không vi phạm các quy định của pháp luật.

Với trường hợp của anh, với thông tin anh cung cấp số tiền hàng tháng anh phải nộp là 2.831.000 mỗi tháng bao gồm cả gốc và lãi. Do anh không cung cấp cụ thể số tiền lãi anh phải nộp là bao nhiêu trong số tiền 2.831.000 mỗi tháng, tuy nhiên, theo như đã phân tích trên thì lãi suất giữa anh và Ngân hàng là do các bên tự thỏa thuận do đó việc ngân hàng lấy lãi suất cao cũng không vi phạm pháp luật trong trường hợp này.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi