Học sinh nghỉ học có được trả lại tiền học phí đã nộp trước không?

Học sinh nghỉ học có được trả lại tiền học phí đã nộp trước không?

2024-12-16 15:17:14 174

Tháng trước vợ chồng tôi có tìm hiểu trường mẫu giáo cho con, do đang học ở trường cũ nên chúng tôi có trao đổi với trường sang tháng mới sẽ bắt đầu học và lựa chọn đóng học phí trước cả năm học để hưởng ưu đãi 20%, tổng cộng là 52 triệu đồng.

Tuy nhiên trong thời gian đợi con học xong ở trường cũ, chúng tôi nhận thấy trường mới có cách dạy học chưa phù hợp với gia đình chúng tôi và có mong muốn chọn trường khác. Sau khi chọn được trường khác và trình bày mong muốn nguyện vọng muốn xin lại tiền học phí để có tiền đóng tại trường mới, thì nhà trường đã không chịu hoàn trả. Gia đình chúng tôi đã cố gắng thuyết phục, năn nỉ nhà trường nhưng nhà trường chỉ đồng ý hoàn trả 80% học phí (41 triệu). Xin hỏi trong trường hợp này Nhà trường có nghĩa vụ hoàn trả tiền học phí nộp trước như nào?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi: 

Theo thông tin anh cung cấp thì tháng trước, anh đã đăng ký học cho con tại một trường mẫu giáo và đã nộp học phí trước cho cả năm học. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền học phí thì vợ chồng anh nhận thấy trường có cách dạy học chưa phù hợp với gia đình và đã tìm trường khác cho con học. Anh có đề nghị nhà trường được hoàn trả lại tiền học phí, tuy nhiên nhà trường chỉ đồng ý hoàn trả lại 80% học phí đã nộp.

Để xác định anh có quyền yêu cầu nhà trường hoàn trả 100% tiền học phí hay không, chúng tôi chia ra các trường hợp sau:

1. Căn cứ theo thỏa thuận của hai bên khi đăng ký học cho con

Theo thông tin anh cung cấp thì chúng tôi hiểu giữa anh và nhà trường chỉ có thỏa thuận miệng mà không có thỏa thuận bằng văn bản. Việc anh không cho con học tại trường và muốn hoàn lại tiền học phí đã nộp xuất phát từ lý do cá nhân vợ chồng anh cảm thấy không phù hợp. Do vậy trước hết cần dựa trên sự thỏa thuận giữa anh và nhà trường khi anh thực hiện thủ tục đăng ký học cho con để xác định nhà trường có nghĩa vụ hoàn trả 100% tiền học phí hay không.

Trong trường hợp giữa anh và nhà trường không có thỏa thuận trực tiếp nào liên quan đến việc hoàn trả tiền học phí khi học sinh không tiếp tục học tập tại trường thì việc hoàn trả tiền học phí cần căn cứ theo Quy chế của trường. Thông thường, các trường đều công khai các thông tin về các khoản thu trong năm cũng như quy chế học thử, thanh quyết toán học phí khi trẻ không còn học tại trường, trả tiền đầu năm, hoàn trả tiền học phí đã nộp trước. Các thông tin này cũng thường được trao đổi, thông báo đến các phụ huynh trước khi đăng ký học cho con.

Do vậy, anh cần căn cứ vào thỏa thuận của 2 bên và Quy chế của nhà trường để xác định mình có được hoàn trả 100% khoản tiền học phí hay không.

2. Trường hợp giữa hai bên không có thỏa thuận, nhà trường cũng không có quy chế chung.

Trường hợp giữa anh và nhà trường không có bất kỳ sự thỏa thuận, trao đổi nào về trường hợp hoàn trả lại học phí, đồng thời nhà trường cũng không có quy chế về các khoản thu học phí đang áp dụng công khai thì việc giải quyết quyền lợi của các bên căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015:

Khi anh đăng ký nhập học cho con và nộp tiền học phí thì giữa anh và nhà trường đã phát sinh một giao dịch dân sự. Để hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu hoàn trả lại tiền, cần có căn cứ theo quy định tại Điều 423 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 423. Hủy bỏ hợp đồng

1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:

a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;

b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;

c) Trường hợp khác do luật quy định.

2. Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

3. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Ngoài ra, pháp luật quy định hợp đồng có thể bị hủy bỏ trong các trường hợp sau:

  • Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ (Điều 424 Bộ luật dân sự 2015);
  • Hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện (Điều 425 Bộ luật dân sự 2015);
  • Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng (Điều 426 Bộ luật dân sự 2015).

Khi hợp đồng bị hủy bỏ, hậu quả được xử lý theo Điều 427 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 427. Hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng

1. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.

2. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.

Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả.

Trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được thực hiện cùng một thời điểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường.

4. Việc giải quyết hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này và luật khác có liên quan quy định.

5. Trường hợp việc hủy bỏ hợp đồng không có căn cứ quy định tại các điều 423, 424, 425 và 426 của Bộ luật này thì bên hủy bỏ hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan”.

Như vậy, anh cần chứng minh được có căn cứ để hủy bỏ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp nêu trên. Khi đó, nhà trường có nghĩa vụ hoàn trả tiền học phí đã nhận sau khi đã trừ chi phí cho những công việc đã thực hiện theo hợp đồng (ví dụ chi phí cho việc chuẩn bị đồ dùng học tập, trang bị cá nhân cho học sinh…).

Trong trường hợp anh hủy bỏ hay đơn phương chấm dứt hợp đồng không có căn cứ theo quy định của pháp luật thì được xác định là hành vi vi phạm nghĩa vụ và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 360 Bộ luật dân sự 2015. Trong trường hợp này, kể từ thời điểm anh thông báo chấm dứt hợp đồng thì các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ (tức khoản tiền học phí cho những tháng chưa học sẽ không phải nộp). Anh có quyền yêu cầu trả lại khoản học phí đã nộp trước, tuy nhiên, nhà trường có quyền khấu trừ các chi phí cho những công việc đã thực hiện theo hợp đồng (ví dụ chi phí cho việc chuẩn bị đồ dùng học tập, trang bị cá nhân cho học sinh…), đồng thời yêu cầu được bồi thường thiệt hại (nếu có).

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi