Tôi bị một người bạn dụ dỗ sang Myanmar làm việc (bay hợp pháp từ Việt Nam sang Thái Lan sau đó vượt biên trái phép sang Myanmar). Khi đến Myanmar, người bạn này là tú bà đã đưa tôi đến các khu tự trị tại đó làm gái mại dâm (người bạn của tôi trực tiếp điều hành, quản lý các nhân viên ở đây). Tôi muốn trở về Việt Nam nhưng bị người bạn này đe dọa, cho nhiều người canh giữ không thể rời khỏi. Sau một thời gian dài hành nghề bên đó, tôi đã may mắn được trở về Việt Nam, hiện nay tôi vẫn nhận được lời đe dọa đánh, “xử” em của người bạn này. Nay tôi muốn tố cáo hành vi của người bạn này đến cơ quan công an của Việt Nam được không? Nếu tố cáo thì tố cáo với tội danh gì? Hành vi không thuộc lãnh thổ Việt Nam thì có xử lý được không?
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Luật Tháng Mười:
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn và đối tượng tú bà (tạm gọi là A) đều là công dân Việt Nam. Đối tượng A có các hành vi:
-
Dụ dỗ người Việt Nam sang Myanmar thực hiện hành vi bán dâm, tức có hành vi môi giới mại dâm.
-
Tổ chức đưa người Việt Nam vượt biên trái phép từ Thái Lan sang Myanma và hành vi cưỡng ép người Việt Nam ở lại nước ngoài (Myanmar) trái phép
-
Hành vi đe dọa đánh và âm mưu thuê người “xử” bạn.
Theo quy định của Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các hành vi nêu trên có thể bị truy cứu TNHS về các tội danh sau:
1. Hành vi môi giới mại dâm
Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật hình sự 2015:
Điều 328. Tội môi giới mại dâm
1. Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Bà A đã có hành vi dụ dỗ, dẫn dắt người Việt Nam thực hiện việc bán dâm. Hành vi này vi phạm pháp luật Việt Nam và có thể bị khởi tố về Tội môi giới mại dâm.
2. Hành vi tổ chức đưa người Việt Nam vượt biên trái phép từ Thái Lan sang Myanmar và hành vi cưỡng ép người Việt Nam ở lại nước ngoài (Myanmar) trái phép
Tại Việt Nam, việc xuất cảnh sang Thái Lan được thực hiện đúng quy định pháp luật, sau đó từ Thái Lan các đối tượng mới vượt biên trái phép sang Myanmar. Hành vi vượt biên Thái Lan sang Myanmar vi phạm pháp luật Thái Lan và khách thể bị xâm phạm là chủ quyền lãnh thổ của Thái Lan.
Pháp luật Việt Nam chỉ xử lý hình sự khi có hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích của công dân Việt Nam hoặc xâm hại đến lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, hành vi vượt biên Thái Lan sang Myanmar, Việt Nam không xử lý. Tuy nhiên, bà A có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác ở lại nước ngoài trái phép và có hành vi cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép. 02 hành vi này vi phạm các quy định tại Điều 349, Điều 350 Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 350. Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
1. Người nào cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với từ 05 người đến 10 người;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Vì động cơ đê hèn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Làm chết người.
4. Hành vi đe dọa đánh và âm mưu thuê người “xử” bạn.
Đối với hành vi này luật sư chưa rõ hành vi cụ thể cũng như mức độ đe dọa, xúc phạm…. Nếu chỉ dừng ở lời nói (nhắn tin) đe dọa thì chưa có đủ căn cứ để cấu thành tội phạm.
5. Về việc xử lý các hành vi phạm tội xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam và ngoài lãnh thổ Việt Nam
Trong các hành vi nêu trên của bà A, có hành vi được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, có một số hành vi được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam. Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì:
Điều 6. Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.
Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam.
2. Người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam đang ở tại biển cả hoặc tại giới hạn vùng trời nằm ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định.
Như vậy, hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam hay thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên, về mặt thực tiễn thì nếu người phạm tội đang ở nước ngoài (không có mặt tại Việt Nam) thì việc xử lý tội phạm cần có sự hỗ trợ của nước sở tại thông qua các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước sở tại.
Theo tìm hiểu của Chúng tôi thì hiện nay Việt Nam và Myanmar không ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, vì vậy việc dẫn độ, hỗ trợ điều tra tội phạm sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của nước sở tại trên nguyên tắc có đi có lại trong từng trường hợp cụ thể. Nếu Myanmar không dẫn độ người phạm tội thì hành vi của bà A sẽ bị xử lý theo quy định của nước sở tại (phụ thuộc vào pháp luật của Myanmar).
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: