Xin nhờ tư vấn giúp, tôi có bà chị họ đã đem hộ khẩu gia đình đi vay nợ một cty tài chính, chị ấy đã không trả nợ đúng hẹn nên cty này bán hợp đồng cho một cty mua bán nợ, vậy là cty mua bán nợ này đem những thành viên trong hộ khẩu lên mạng bêu riếu, giống như lệnh truy nã vậy. Vậy xin hỏi tôi có thể kiện công ty cho vay, công ty đòi nợ hay bà chị họ đã tiếp tay khủng bố gia đình tôi, rất mong nhận được trả lời, chân thành cảm ơn!
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:
1. Về trách nhiệm trả nợ của người chị họ
Chị họ của chị sử dụng sổ hộ khẩu của gia đình để vay tiền, tức đây là hình thức vay tín chấp. Về bản chất thì đây là một giao dịch dân sự do cá nhân thực hiện, nếu gia đình không có ai đứng ra bảo đảm cho việc vay nợ thì việc sử dụng sổ hộ khẩu chỉ là thủ tục cần thiết để vay tín chấp mà không có sự ràng buộc trách nhiệm phải trả nợ của gia đình chị với công ty tài chính, cũng như công ty mua bán nợ.
2. Về việc công ty tài chính bán nợ cho công ty mua bán nợ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 365 Bộ luật Dân sự 2015 về chuyển giao quyền yêu cầu:
“1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:
a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.
2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này.”
Theo quy định tại Điều 365, công ty tài chính có quyền chuyển giao quyền yêu cầu đòi nợ cho bên thế quyền là công ty mua bán nợ, vì vậy việc bên công ty tài chính chuyển giao quyền yêu cầu cho công ty mua bán nợ là hợp pháp theo quy định của pháp luật dân sự.
3. Về hành vi đưa thông tin các thành viên trong sổ hộ khẩu lên mạng xã hội:
Căn cứ theo Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín:
“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.”
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc công ty mua bán nợ đưa thông tin các thành viên trong gia đình lên mạng để bêu riếu, đưa ra những thông tin không đúng sự thật, việc này đã xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm của gia đình chị. Về trách nhiệm dân sự, theo quy định trên, chị có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu người thực hiện hành vi này đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại cho gia đình chị.
Ngoài ra, hành vi này tùy từng tính chất, mức độ có thể xem xét xử lý hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Chị có thể làm đơn tố cáo hành vi của những đối tượng này lên cơ quan công an để yêu cầu xem xét trách nhiệm hình sự.
Trường hợp hành vi của những đối tượng này chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:
“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
…”
Về chị họ của chị mang sổ hộ khẩu của gia đình ra để bảo đảm cho hợp đồng vay tín chấp, đây là một giao dịch dân sự cá nhân, nếu gia đình chị không có ai đứng ra bảo đảm thì trách nhiệm trả nợ chỉ thuộc về mình chị họ của chị. Việc mang sổ hộ khẩu của gia đình ra làm đảm bảo cho hợp đồng vay tín chấp chưa phải là hành vi vi phạm pháp luật và không có chế tài xử lý đối với hành vi dùng sổ hộ khẩu để làm thủ tục vay này.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: