Cho tôi hỏi với 1,5 triệu đôla mĩ mà được chuyển về Việt Nam cùng đồ đạc qua hình thức chuyển phát mà không khai báo hải quan. Khi máy quét phát hiện. Thì sẽ bị phạt như thế nào? Và mức đóng phạt là bao nhiêu để nhận được số đô la đó ah.
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
Thứ nhất, xác định hành vi vi phạm về gửi ngoại tệ qua dịch vụ bưu chính (chuyển phát nhanh).
Theo thông tin được cung cấp thì có người ở nước ngoài chuyển về Việt Nam một khoản tiền 1,5 triệu đô la thông qua dịch vụ chuyển phát (dịch vụ bưu chính), hiện nay bị cơ quan Hải quan báo phát hiện. Hành vi chuyển tiền ngoại tệ
Theo quy định điều 12 Luật bưu chính 2010 thì xác định các vật phẩm hàng hóa không được gửi qua mạng bưu chính gồm:
“Điều 12. Vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính
1. Vật phẩm, hàng hóa mà pháp luật của Việt Nam quy định cấm lưu thông.
2. Vật phẩm, hàng hoá từ Việt Nam gửi đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu.
3. Vật phẩm, hàng hoá từ các nước gửi về Việt Nam mà pháp luật Việt Nam quy định cấm nhập khẩu.
4. Vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Ngày 20/10/1951 Việt Nam Công hòa gia nhập Liên minh bưu chính quốc tế, năm 1976 Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế thừa. Căn cứ, mục 6 điều 19 Công ước bưu chính thế giới có nêu các vật phẩm cấm gửi trong đó có tiền giấy.
“6 Tiền xu, giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành và các vật có giá trị khác
6.1 Cấm bỏ tiền xu, giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành, tiền giấy hoặc chứng khoán các loại có thể thanh toán cho người thụ hưởng, séc du lịch, bạch kim, vàng hoặc bạc đã gia công hoặc chưa gia công, đá quý, đồ trang sức hoặc các vật có giá trị khác:”
Như vậy, trừ các trường hợp ngoại lệ theo Thể lệ bưu phẩm thì căn cứ quy định trên, việc bưu phẩm có tiền giấy thì các bưu cục, đơn vị vận chuyển đều sẽ từ chối nhận bưu phẩm này. Do đó, việc đơn vị vận chuyển chấp nhận gửi và người gửi gói bưu phẩm chứa ngoại tệ là hành vi vi phạm điều cấm của quy định tại Điều 12 Luật bưu chính 2010.
Thứ hai, xác định mức phạt vi phạm hành chính và biện pháp bổ sung.
- Đối với hành vi chấp nhận gửi bưu phẩm chứa ngoại tệ:
Theo điểm d, khoản 1 điều 9 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi chấp nhận bưu gửi có tiền giấy sẽ bị xử phạt hành chính ở mức 10-20 triệu đồng, hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm. Cụ thể:
“Điều 9. Vi phạm các quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa từ Việt Nam đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu;
b) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm sử dụng hoặc cấm lưu thông theo quy định của pháp luật;
c) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
d) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
...
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này....”
Như vậy, mức phạt đối với đơn vị kinh doanh dịch bưu chính có hành vi gửi/chấp nhận gửi vật phẩm chứa hàng hóa cấm vận chuyển là 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, dù có đóng tiền phạt hành chính thì cũng không thể lấy được bưu phẩm nêu trên do nó sẽ bị tịch thu theo khoản 3 điều 9 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
- Đối với hành vi vi phạm của người gửi ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam:
Theo khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 quy định việc chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam được thực hiện qua ngân hàng, qua mạng bưu chính công cộng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích mang tính chất tài trợ, viện trợ hoặc giúp đỡ thân nhân gia đình, sử dụng chi tiêu cá nhân không có liên quan đến việc thanh toán xuất khẩu, nhập khẩu về hàng hóa và dịch vụ.
Lưu ý, Dịch vụ bưu chính công ích là dịch vụ bưu chính được cung ứng theo yêu cầu của Nhà nước, gồm dịch vụ bưu chính phổ cập, dịch vụ bưu chính phục vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ đặc thù khác, không phải là dịch vụ bưu chính thông thường.
Như vậy, khoản tiền được chuyển vào Việt Nam mà không mang tính chất tài trợ hoặc giúp đỡ thân nhân gia đình thì không thể sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển tiền mà phải chuyển tiền qua ngân hàng.
Do đó, việc gửi tiền từ nước ngoài vào Việt Nam qua dịch vụ bưu chính trong trường hợp mà chị nêu trên là vi phạm quy định của pháp luật. Theo quy định tại điểm h, khoản 4 Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP thì phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi chuyển, mang ngoại tệ vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 9 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP như sau:
“9. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, các điểm h, i, k khoản 3, điểm h khoản 4, các điểm e, g, h khoản 5, điểm b khoản 6 Điều này;
……..”
Như vậy, mức phạt đối với người chuyển tiền ngoại tệ vào Việt Nam theo hình thức chuyển phát mà không thuộc trường hợp được sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển tiền theo quy định thì mức phạt tiền được áp dụng từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời, sau khi người chuyển tiền nộp phạt thì người nhận ở Việt Nam cũng không thể nhận được số ngoại tệ nêu trên.
Việc xử phạt hành chính phải được người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm. Thời hạn thi hành quyết định là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt.
Do đó, nếu được yêu cầu phải đi nộp phạt để nhận ngoại tệ chuyển từ nước ngoài thì chị cần yêu cầu Chi cục Hải quan/Cục hải quan lập biên bản vi phạm hành chính để xác định hành vi vi phạm (nếu có), đồng thời yêu cầu cung cấp Quyết định xử phạt vi phạm hành chính để từ đó có cơ sở liên hệ Kho bạc Nhà nước thực hiện thủ tục nộp phạt.
Ngoài ra, như đã nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu ngay cả khi đã nộp phạt theo đúng quyết định xử phạt thì chị cũng không nhận được bưu phẩm có chứa ngoại tệ nếu không thuộc trường hợp được phép gửi tiền từ nước ngoài vào Việt Nam theo đường bưu chính công cộng như đã phân tích nêu trên.
Chị nên cảnh giác với yêu cầu nộp phạt mà không có quyết định xử phạt vi phạm từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cảnh giác với các hình thức nộp phạt không được thực hiện tại kho bạc Nhà nước mà được yêu cầu chuyển khoản đến tài khoản cá nhân. Nếu nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn nhận hàng từ nước ngoài gửi về, chị có thể cung cấp thông tin tới cơ quan công an nơi đang cư trú để được xác minh, làm rõ và được bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: