Tôi (A) và người bạn (B) có góp vốn mua 1 căn hộ chung cư. Vốn mua căn nhà này là do ngân hàng cho vay vốn. Tôi có một số thắc mắc sau:
1. Việc mua chung cần có giấy tờ gì để đồng sở hữu.
2. Do người bạn mua chung với tôi (B) là nhân viên làm bên ngân hàng cho vay, vậy B có thể tự ý rút hồ sơ vay vốn ra mà không có sự chứng kiến của tôi hay không? Làm cách nào để ngăn chặn việc này?
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
Thứ nhất về việc xác lập quyền sở hữu chung khi 2 người cùng bỏ tiền để mua căn hộ chung cư.
Điều 208 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc xác lập quyền sở hữu chung như sau:
“Quyền sở hữu chung được xác lập theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.”
Hiện nay, pháp luật có hướng dẫn về việc xác lập tài sản chung của vợ chồng, của cộng đồng dân cư. Đối với sở hữu chung của những trường hợp khác thì sẽ xác lập theo thỏa thuận. Do đó, để người A và người B cùng đồng sở hữu tài sản thì phải dựa trên căn cứ xác lập tài sản – đó là hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Cụ thể, khi giao kết hợp đồng mua căn hộ chung cư, thì cả A và B phải cùng có tên trong hợp đồng với tư cách là bên mua và cùng ký tên trong bản hợp đồng này.
Khi thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền sở nhà ở, cần kê khai thông tin của người sở hữu căn hộ chung cư gồm thông tin của cả A và B trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSH tài sản. Theo quy định tại Thông tư số 10/2024/TT-BTNMT thì trường hợp nhiều chủ cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất thì từng người sở hữu tài sản sẽ được ghi tên trên Giấy chứng nhận.
Như vậy, pháp luật cho phép hình thức sở hữu chung và ghi nhận thông tin của từng người sở hữu trên Giấy chứng nhận QSH nhà ở. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp thì A và B phải cùng ký kết và được ghi tên với vai trò là bên mua trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.
Theo quy định tại Điều 218 Bộ luật dân sự 2015 và Luật nhà ở 2023 về việc định đoạt tài sản chung thì: Khi xác lập tài sản thuộc sở hữu chung thì việc bán nhà ở cũng phải được sự đồng ý của tất cả những người đồng sở hữu. Trường hợp có chủ sở hữu chung không đồng ý bán thì các chủ sở hữu chung khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Các chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua, nếu các chủ sở hữu chung không mua thì nhà ở đó được bán cho người khác.
Trong thực tế, nhiều người cùng góp tiền mua chung nhà, hoặc mua chung thửa đất nhưng không thể hiện đầy đủ tên của từng đồng sở hữu chung trong các hợp đồng mua bán, mà chỉ thỏa thuận ngoài hợp đồng. Do vậy khi xác lập quyền sử dụng/quyền sở hữu tại cơ quan Nhà nước, thì chỉ được ghi nhận tên của một người và không thể hiện hình thức sở hữu chung trên Giấy chứng nhận. Điều này không bảo vệ được tuyệt đối quyền lợi hợp pháp của những đồng sở hữu chung. Trong trường hợp vì lý do cá nhân mà A không thể hiện tên của mình trên hợp đồng mua căn hộ chung cư thì văn bản thỏa thuận góp tiền mua nhà giữa A với B cần ghi nhận cụ thể các chế tài xử phạt, bồi thường thiệt hại nếu B tự ý quyết định bán tài sản mà chưa thông qua A.
Thứ hai, về việc vay vốn tại ngân hàng.
Theo thông tin chị cung cấp, chúng tôi chưa xác định được là chị đang hỏi về hồ sơ gì tại ngân hàng? Là hồ sơ về hợp đồng vay tiền? hay hồ sơ về hợp đồng thế chấp căn hộ chung cư tại ngân hàng? Luật sư tư vấn đối với trường hợp các bên thế chấp căn hộ chung cư nêu trên tại ngân hàng để vay tiền.
Theo như nội dung tư vấn tại mục thứ nhất, nếu cả A và B cùng đứng tên trên hợp đồng mua căn hộ chung cư thì hợp đồng thế chấp căn hộ này tại Ngân hàng cũng sẽ đứng tên cả A và B. Khi đó, để được rút hồ sơ tại ngân hàng thì A hoặc B phải trả đủ nợ gốc và nợ lãi cho Ngân hàng để được xóa thế chấp căn hộ, hoặc A và B cùng thỏa thuận với Ngân hàng để được xóa thế chấp (hay theo cách hỏi của chị là rút hồ sơ tại ngân hàng).
Do đó, đối với trường hợp A cũng đứng tên trong hợp đồng thế chấp tài sản tại ngân hàng thì B không thể tự ý xóa thế chấp khi chưa trả hết các khoản nợ cho ngân hàng. Ngược lại, trong trường hợp A không đứng tên trong hợp đồng thế chấp tài sản, không đứng tên trong hợp đồng mua căn hộ chung cư thì việc B rút hồ sơ tại ngân hàng là thỏa thuận giữa B và ngân hàng, A sẽ không thể cản trở điều đó, ngay cả khi giữa A và B có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc này.
Do vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình khi góp vốn với người khác cùng mua nhà, đất thì A phải cùng đứng tên trên hợp đồng mua bán, trên hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: