Giáo viên đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức và theo chính sách tinh giản biên chế thì được hưởng chế độ gì?

Giáo viên đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức và theo chính sách tinh giản biên chế thì được hưởng chế độ gì?

2024-01-21 21:22:55 172

Tôi hiện là giáo viên trường công lập năm nay 45 tuổi, đã tham gia BHXH được 22 năm 8 tháng, BHTN được 11 năm 4 tháng. Giờ tôi muốn xin về nghỉ chế độ một lần. Những điều kiện và quyền lợi tôi được hưởng khi về nghỉ như thế nào?

Mời bạn tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi:

Căn cứ thông tin chị cung cấp, chị là viên chức được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc. Thời gian công tác của chị tính đến thời điểm hiện tại là 22 năm 8 tháng và chị đang muốn xin nghỉ chế độ một lần.

Trường hợp 1: Thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức:

Đối với thời gian công tác 22 năm 8 tháng thì hợp đồng làm việc của chị đã được chuyển sang loại hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Vì vậy, chị có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức năm 2012:

“Điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.

…”

Khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định nêu trên, các chế độ chị được hưởng bao gồm:

Thứ nhất, về trợ cấp thôi việc:

Điều 39 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định về trợ cấp thôi việc như sau:

“Điều 39. Trợ cấp thôi việc

1. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước được tính như sau:

a) Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);

b) Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng;

c) Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

d) Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.…”

Từ quy định nêu trên, cứ mỗi năm công tác trước ngày 31/12/2008 chị sẽ được thanh toán chế độ trợ cấp thôi việc bằng ½ tháng lương hiện hưởng. Tiền lương để tính chế độ trợ cấp thôi việc sẽ bao gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp cộng các khoản phụ cấp lương như: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu.

Thứ hai, về trợ cấp thất nghiệp:

Sau khi chấm dứt hợp đồng làm việc và nhận được sổ bảo hiểm xã hội đã chốt từ phía nhà trường, chị có thể làm hồ sơ, thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm năm 2013.

Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị cần đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013. Cụ thể:

- Tháng liền kề trước khi thôi việc chị có đóng bảo hiểm thất nghiệp;

- Chấm dứt hợp đồng làm việc đúng pháp luật;

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng làm việc;

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm chấm dứt hợp đồng làm việc;

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo đó, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm các giấy tờ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP như sau:

- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định (theo mẫu được quy định tại Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH);

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực quyết định thôi việc;

- Sổ bảo hiểm xã hội.

Hồ sơ nêu trên được nộp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

Như vậy, nếu chị đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật thì với 11 năm 4 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, chị sẽ được hưởng 11 tháng trợ cấp; 4 tháng lẻ đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu theo quy định của pháp luật. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Thứ ba, về chế độ bảo hiểm xã hội một lần:

Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về bảo hiểm xã hội một lần như sau:

“Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần

1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;…”

Như vậy, đối chiếu với trường hợp của chị cho thấy hiện nay chị đã đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm, nếu chị không thuộc trường hợp ra nước ngoài định cư hoặc mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng thì chị không đủ điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần theo quy định nêu trên. Mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội của chị sẽ được bảo lưu đến khi chị đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi để giải quyết chế độ hưu trí.

Trường hợp 2: Thực hiện thủ tục thôi việc theo chính sách tinh giản biên chế:

Trong trường hợp cơ quan, đơn vị chị đang có đợt xét tinh giản biên chế và chị thuộc một trong các trường hợp tinh giản biên chế theo quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 113/2018/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 108/2014/NĐ-CP) thì các chế độ chị được hưởng được xác định như sau:

Thứ nhất, về chế độ nghỉ hưu trước tuổi:

Nếu chị đáp ứng đủ điều kiện: Đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì chị được hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP.

Các chế độ trong trường hợp nghỉ hưu trước tuổi bao gồm:

- Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

- Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;

- Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.

Thứ hai, về chế độ thôi việc ngay:

Trong trường hợp chị không đáp ứng đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo quy định nêu trên thì chị có thể được giải quyết thôi việc theo chính sách thôi việc ngay được quy định tại Điều 10 Nghị định 108/2014/NĐ-CP:

“Điều 10. Chính sách thôi việc

1. Chính sách thôi việc ngay

Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này có tuổi đời dưới 53 tuổi đối với nam, dưới 48 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này hoặc có tuổi đời 58 tuổi đối với nam, dưới 53 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định này, nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp sau:

a) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm;

b) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.”

Với chính sách thôi việc ngay, chị được hưởng trợ cấp là 37,5 tháng lương. Trong đó:

- 03 tháng lương hiện hưởng để tìm việc làm;

- Trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho 23 năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội ( 22 năm 8 tháng được làm tròn là 23 năm): 1,5 x 23 = 34,5.

Và tiền lương để tính chế độ nêu trên bao gồm: tiền lương theo ngạch, bậc hoặc theo chức danh nghề nghiệp hoặc theo bảng lương; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu chị đủ điều kiện giải quyết chế độ theo quy định của Nghị định 108/2014/NĐ-CP thì chị không được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP. Còn các quyền lợi khác về bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội thì chị vẫn được giải quyết như trường hợp đã phân tích ở trên.

Lưu ý:

Trên đây là nội dung giải đáp về “Chế độ của viên chức khi nghỉ việc” . Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả, Quý khách hàng vui lòng liên hệ số Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi