Đưa con ra nước ngoài định cư sau ly hôn có cần sự đồng ý của người cha

Đưa con ra nước ngoài định cư sau ly hôn có cần sự đồng ý của người cha

2024-10-17 11:42:55 133

Xin chào luật sư! Tôi hiện đang định cư tại Pháp, đủ điều kiện để bảo lãnh con sang định cư. Tôi có nguyên vọng đem con đoàn tụ, nhưng cha ruột của con tôi không đồng ý thì tôi phải làm sao? Chúng tôi đã li hôn 2011, con tôi sinh năm 2009. Và tôi là người nuôi cháu đến nay. Cháu hiện đang sống cùng bà ngoại tại Việt Nam. Trong trường hợp này tôi và con tôi có thể ra tòa đơn phương để giành quyền đem con tôi đi Pháp không? Hay tôi phải nên làm gì?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:

Theo thông tin chị cung cấp, năm 2011 vợ chồng chị ly hôn, theo quyết định ly hôn của Tòa thì chị được quyền trực tiếp nuôi con. Hiện tại chị đang định cư tại Pháp và muốn bảo lãnh con sang Pháp định cư nhưng cha của cháu không đồng ý mặc dù chị đã thuyết phục nhiều lần.

Đối với thủ tục khi người trực tiếp nuôi con bảo lãnh cho con ra nước ngoài định cư có cần sự đồng ý của người còn lại hay không thì hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể, trực tiếp, mà việc có cần sự đồng ý hay không còn tùy thuộc vào quy định riêng của nước nơi người muốn bảo lãnh đang sinh sống.

Đối chiếu với trường hợp của chị, theo thông tin chị cung cấp hiện tại chị đang định cư tại Pháp và muốn bảo lãnh cho con sang Pháp, tuy nhiên cha ruột của cháu không đồng ý. Do đó chúng tôi xác định pháp luật Pháp yêu cầu phải có sự đồng ý của người cha trong hồ sơ bảo lãnh.

Trong trường hợp này, việc yêu cầu cần phải có sự đồng ý của người cha là có căn cứ. Bởi lẽ, mặc dù chị là người được quyền trực tiếp nuôi con, tuy nhiên pháp luật Việt Nam cũng có các quy định để đảm bảo quyền của người không trực tiếp nuôi con, cụ thể:

Tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

…”

Tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn như sau:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

…”

Như vậy, căn cứ theo quy định đã nêu trên và đối chiếu với trường hợp của chị, việc anh chị đã ly hôn chỉ chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa hai người, còn quan hệ cha, mẹ, con vẫn tồn tại. Do đó, người cha trong trường hợp này vẫn có các quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con đến khi con thành niên mà không ai được cản trở. Và việc đưa con ra nước ngoài định cư trong trường hợp này có thể sẽ gây cản trở đến các quyền của người không trực tiếp nuôi con đối với con.

Bên cạnh đó, tại Điều 136 Bộ luật dân sự 2015 thì cả cha và mẹ đều là người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên. Cả cha và mẹ đều có quyền ngang nhau trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của con chưa thành niên. Người cha có quyền được biết và được quyền quyết định về việc có đồng ý cho con ra nước ngoài định cư hay không dựa trên cơ sở đảm bảo sự phát triển về mọi mặt tốt nhất cho con.

Do đó, việc cần phải có sự đồng ý của người cha để hoàn thiện thủ tục theo như yêu cầu của pháp luật nước Pháp là có căn cứ.

Đối với vấn đề chị muốn khởi kiện đến cơ quan Tòa án thì hiện tại theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, vấn đề tranh chấp liên quan đến việc có để con ra nước ngoài định cư hay không không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, mà chủ yếu phụ thuộc vào sự thỏa thuận của cha và mẹ. Do đó, việc chị có ý định khởi kiện để đơn phương giành quyền đưa con ra nước ngoài định cư là chưa có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, nếu chị không thể có được văn bản đồng ý của người cha để hoàn thiện hồ sơ bảo lãnh con ra nước ngoài định cư trong thời gian này thì chị cần chờ đến khi con chị thành niên (đủ 18 tuổi), khi đó cháu sẽ là người tự quyết định về vấn đề này mà không bắt buộc cần có sự đồng ý của người cha.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi