Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi đi xuất khẩu lao động

Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi đi xuất khẩu lao động

2025-03-20 16:08:17 34

Tôi đi làm việc tại nước ngoài theo diện xuất khẩu lao động qua một công ty trung gian tại Việt Nam. Sau khi sang làm việc bên nước ngoài thì công ty bên này đối xử với tôi không được tốt, bóc lột người lao động (làm thêm vào thứ 7 và chủ nhật và ngày nghỉ lễ Noel, ngày tết không được nghỉ ngơi). Tôi từ chối tiếp tục làm thêm thì quản đốc đuổi tôi ra ngoài, khóa cửa không cho vào mặc dù thời tiết rất lạnh.

Tôi thấy không phù hợp nên muốn chấm dứt hợp đồng để về nước sớm. Tôi đã làm đơn lên công ty để được chấm dứt hợp đồng nhưng Cty không đồng ý. Tôi cũng đã làm đơn xin xác nhận của xã với lý do con ốm, hoàn cảnh gia đình neo người. Vậy trường hợp này của tôi pháp luật quy định như nào? Mong luật sư tư vấn.

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Luật Tháng Mười:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đi làm việc tại nước ngoài theo hình thức xuất khẩu lao động, do vậy quyền lợi và nghĩa vụ của bạn được điều chỉnh bởi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020.

Theo quy định tại Điều 6 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 về quyền và nghĩa vụ của người lao động thì:

Điều 6. Quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có các quyền sau đây:

a) Được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chính sách, pháp luật và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động có liên quan đến người lao động; quyền, nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

b) Được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề;

c) Hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động và quyền lợi, chế độ khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập, tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;

d) Được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế;

đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

e) Hưởng chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật;

g) Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần;

h) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

i) Được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện.

2. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;

b) Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động; đoàn kết với người lao động tại nước tiếp nhận lao động;

c) Hoàn thành khóa học giáo dục định hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

d) Nộp tiền dịch vụ, thực hiện ký quỹ theo quy định của Luật này;

đ) Làm việc đúng nơi quy định; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân thủ sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động;

e) Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;

g) Về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề; thông báo với cơ quan đăng ký cư trú nơi trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc nơi ở mới sau khi về nước theo quy định của Luật cư trútrong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh;

h) Nộp thuế, tham gia bảo hiểm xã hội, hình thức bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động;

i) Đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì bạn có trách nhiệm tuân tủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước sở tại; làm việc đúng nơi quy định; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân thủ sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

Do vậy, để xác định được bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hay không bạn cần tìm hiểu thêm quy định pháp luật của nước sở tại (quy định về pháp luật của nước ngoài không nằm trong phạm vi tư vấn của Luật Tháng Mười).

Với thông tin về việc bạn được yêu cầu làm thêm giờ nhưng bạn cảm thấy không phù hợp nên đã từ chối, sau đó phía bên người môi giới/công ty đã yêu cầu bạn rời đi, khóa cửa và không cho bạn vào phòng của mình. Với sự việc này cần phải xem xét việc bạn đã đồng ý làm thêm nhưng sau đó bỏ dở giữa chừng có phù hợp với nội quy lao động, hợp đồng lao động đã ký kết hay không. Việc bạn được yêu cầu rời đi, khóa cửa không cho vào phòng của mình cũng cần xem xét hoàn cảnh tại thời điểm đó (nguyên nhân, mục đích của hành vi, việc đứng ngoài trời lạnh là bất khả kháng hay bạn có thể tự khắc phục và hậu quả xảy ra như nào…).

Với những thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi chưa thể khẳng định một cách chắc chắn nhưng có thể chưa đến mức coi là ngược đãi, cưỡng bức lao động hay đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của bạn. Bởi sự việc xảy ra 1 lần duy nhất và xảy ra sau giờ làm việc tại công ty, không phải trong khi làm việc. Ngoài hành động khóa cửa phòng không cho bạn vào phòng thì công ty không có hành vi nào khác ép buộc bạn phải thực hiện hay không thực hiện các biện pháp bảo vệ mình….

Do vậy, theo quan điểm của luật sư thì bạn chưa có căn cứ để đơn phương chấm dứt hợp đồng (lý do con bị ốm theo xác nhận của UBND xã cũng chưa phải là căn cứ chấm dứt hợp đồng). Bạn có thể tìm hiểu thêm quy định của pháp luật nước sở tại để xem xét trường hợp của mình.

Trường hợp bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật (bỏ về nước trước thời hạn mà không do lỗi của người sử dụng lao động, không thuộc trường hợp bất khả kháng) thì bạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng theo pháp luật nước sở tại, số tiền mà bạn đã ký quỹ sẽ được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh, nếu tiền ký quỹ còn thừa thì bạn sẽ được trả lại, nhưng thiếu thì bạn phải nộp bổ sung.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: congtyluatthang10@gmail.com 

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi