Mời các bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
Thứ nhất, về giấy phép liên quan đến điều kiện kinh doanh dịch vụ bể bơi (hoạt động thể thao bơi lội).
Hiện nay, Luật thể dục thể thao quy định về điều kiện, giấy chứng nhận và trình tự thành lập các cơ sở thể thao. Trong đó, các loại hình hoạt động của cơ sở thể thao bao gồm đơn vị sự nghiệp thể thao, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao.
Điều 55 Luật thể dục thể thao quy định doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao phải đáp ứng các điều kiện và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt đông thể thao.
Tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định: “Doanh nghiệp chỉ được tiến hành kinh doanh hoạt động thể thao sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.”
Do đó, đối với doanh nghiệp thì trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ bể bơi thì phải thực hiện xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao (“Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh”)
Đối với loại hình là hộ kinh doanh, tại Điều 56 Luật thể dục thể thao quy định:
“1. Hộ kinh doanh và các tổ chức khác kinh doanh hoạt động thể thao thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về doanh nghiệp.
2. Hộ kinh doanh và các tổ chức khác muốn kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện phải đăng ký thành lập doanh nghiệp và đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện theo quy định của Chính phủ.”
Như vậy, đối với trường hơp anh không thành lập doanh nghiệp, không thành lập các cơ sở dịch vụ hoạt động thể thao mà chỉ muốn thành lập hộ kinh doanh cá thể để kinh doanh dịch vụ bể bơi trong nhà để cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí, bơi lội của quần chúng (không thực hiện các hoạt động thể thao như tập luyện (gồm cả hoạt động dạy bơi), thi đấu chuyên nghiệp, ký kết hợp đồng với vận động viên chuyên nghiệp). Trường hợp này, pháp luật không quy định hộ kinh doanh phải xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.
Trường hợp chưa thành lâp hộ kinh doanh cá thể, anh gửi hồ sơ thành lập hộ kinh doanh tới UBND cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt địa điểm. Hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh theo mẫu ban hành tại Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT;
- Bản sao CCCD/CMND/Hộ chiếu của chủ hộ kinh doanh.
Thời hạn xử lý hồ sơ: Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ bể bơi (hoạt động bơi lội) vẫn phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu chung đối với hoạt động kinh doanh bể bơi như khi thiết kế, xây dựng bể bơi cần đảm bảo theo tiêu chuẩn thiết kế bể bơi (Tiêu Chuẩn Quốc Gia về Công Trình Thể Thao - Bể Bơi - Tiêu Chuẩn Thiết Kế số: TCVN 4260:2012), tiêu chuẩn nước sinh hoạt ban hành tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ y tế.
Về điều kiện đối với Cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện môn bơi lội tại Điều 3 Thông tư số 03/2018/TT-BVHTTDL để thiết kế và xây dựng bể bơi. Cụ thể:
1. Bể bơi:
a) Kích thước: Bể bơi được xây dựng hoặc lắp đặt có kích thước không nhỏ hơn 6m x 12m hoặc có diện tích tương đương;
b) Đáy bể có độ dốc đều, không gấp khúc, chênh lệch độ sâu không quá 1m đối với bể bơi có chiều dài từ 25m trở lên hoặc không quá 0,5m đối với bể bơi có chiều dài nhỏ hơn 25m;
c) Thành bể, đáy bể có bề mặt nhẵn, mịn, dễ làm sạch.
2. Bục xuất phát chỉ được lắp đặt đối với bể bơi có độ sâu không nhỏ hơn 1,35m.
3. Có phòng thay đồ, khu tắm tráng và khu vệ sinh; sàn các khu vực này và xung quanh bể bơi phải phẳng, không đọng nước, không trơn trượt.
4. Khu vực rửa chân được đặt tại vị trí trước khi người tập xuống bể.
5. Có hệ thống âm thanh trong tình trạng hoạt động tốt.
6. Hệ thống ánh sáng bảo đảm độ sáng không nhỏ hơn 300 Lux ở mọi địa điểm trên mặt nước bể bơi.
7. Có dây phao được căng để phân chia các khu vực của bể bơi.
8. Dụng cụ cứu hộ:
a) Sào cứu hộ được đặt trên thành bể ở các vị trí thuận lợi dễ quan sát và sử dụng, có độ dài 2,5m, sơn màu đỏ - trắng. Mỗi bể bơi phải có ít nhất 06 sào;
b) Phao cứu sinh được đặt trên thành bể ở vị trí thuận lợi khi sử dụng. Mỗi bể bơi phải có ít nhất 06 phao;
c) Ghế cứu hộ được đặt trên thành bể ở vị trí thuận lợi dễ quan sát cho nhân viên cứu hộ, có chiều cao ít nhất 1,5m so với mặt bể.
9. Bảng nội quy, biển báo:
a) Bảng nội quy, biển báo được đặt ở các hướng, vị trí khác nhau, dễ đọc, dễ quan sát;
b) Bảng nội quy bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Giờ tập luyện, biện pháp bảo đảm an toàn, quy định đối tượng không được tham gia tập luyện và các quy định khác;
c) Biển báo: Khu vực dành cho người không biết bơi (có độ sâu từ 01m trở xuống), khu vực dành cho những người biết bơi, khu vực cấm nhảy cắm đầu (có độ sâu ít hơn 1,4m).
Thứ hai, về giấy phép và hồ sơ liên quan đến phòng cháy chữa cháy.
Theo thông tin anh cung cấp thì anh kinh doanh dịch vụ bể bơi trong nhà, 1 tầng và cơ sở kinh doanh có khối tích nhỏ hơn 5000m3, anh chỉ thành lập hộ kinh doanh cá thể để cung cấp dịch vụ bể bơi trong nhà, không thành lập doanh nghiệp. Cơ sở kinh doanh của anh không chứa hàng hóa, chất dễ cháy nổ. Do vậy không thuộc cơ sở nguy hiểm về cháy nổ.
Trong trường hợp này, hộ kinh doanh cá thể tự tổ chức, xây dựng để đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy quy định tại Điều 7 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, gồm:
- Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Tự xây dựng giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, về việc xin cấp giấy phép xây dựng bể bơi.
Trừ các công trình xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng như công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa; …., thì khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng.
Theo quy định tai Điều 95 Luật xây dựng, Điều 43 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP thì hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng mới gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định số 15/2021/NĐ-CP;
- Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai như Giấy chứng nhận QSD đất, quyết định giao đất, ……
- Bản vẽ thiết kế xây dựng;
- Bản sao quyết định đầu tư do chủ đầu tư tự lập, phê duyệt.
Cơ quan tiếp nhận và giải quyết hồ sơ: Chủ đầu tư xây dưng nộp 2 bộ hồ sơ đến UBND cấp huyện trên địa bàn.
Thời gian giải quyết hồ sơ: Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình,
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: