Điều kiện thành lập phòng khám chuyên khoa vật lý trị liệu

Điều kiện thành lập phòng khám chuyên khoa vật lý trị liệu

2024-12-31 10:19:56 59

Cho mình hỏi điều kiện để mở phòng khám vật lý trị liệu ạ! Mình có bằng vật lý trị liệu ở Malaysia và đã từng mở phòng khám tại Malaysia! Thì có biết được bằng của mình có được bộ y tế ở VN chấp nhận hay không không?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Luật Tháng Mười:

Thứ nhất, về điều kiện thành lập phòng khám chuyên khoa vật lý trị liệu theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Phòng khám chuyên khoa là một hình thức hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh. Theo quy định tại Điều 49 Luật khám chữa bệnh 2023, Điều 67 Nghị định 96/2023/NĐ-CP để được hoạt động thì phòng khám chuyên khoa phải có giấy phép hoạt động do Giám đốc Sở y tế trên địa bàn cấp.

Tên gọi phòng khám vật lý trị liệu không được liệt kê chi tiết trong danh sách các loại phòng khám chuyên khoa nêu tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP. Do đó, chị có thể xác định loại phòng khám chuyên khoa của chị thuộc: “l) Phòng khám chuyên khoa phục hồi chức năng;” hoặc “z) Phòng khám chuyên khoa khác.”

Khi thành lập các phòng khám chuyên khoa thì ngoài việc đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất như: Có địa điểm cố định; Bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật; Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại; Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở thì còn phải đáp ứng các điều kiện về bằng cấp, chứng chỉ hành nghề đối với người đứng đầu phòng khám (người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật).

Về điều kiện liên quan đến chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám:

Khoản 4 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện chung để cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó điều kiện về nhân lực cụ thể gồm:

a) Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và trưởng các khoa chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở.

- Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm nhiều chuyên khoa thì chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa lâm sàng mà cơ sở đăng ký hoạt động.

- Đối với các phòng khám chuyên khoa dưới đây, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật còn phải đáp ứng các điều kiện như sau:

+ Phòng khám chuyên khoa Phục hồi chức năng: Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề về chuyên khoa vật lý trị liệu hoặc phục hồi chức năng;

- Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được thể hiện bằng văn bản;

- Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.

Như vậy, một trong các điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám đó là người này phải là bác sỹ, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn của phòng khám.

Ví dụ: Phòng khám phục hồi chức năng thì cần có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa vật lý trị liệu hoặc phục hồi chức năng.

Thứ hai, về bằng cấp do cơ quan có thẩm quyền của Malaysia cấp có được thừa nhận để sử dụng tại Việt Nam.

Hiện nay, pháp luật có quy định về việc thừa nhận chứng chỉ hành nghề do nước ngoài cấp và thừa nhận Văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp. Các loại bằng cấp khác liên quan đến y tế, không có quy định được thừa nhận sử dụng tại Việt Nam.

Chúng tôi chưa xác định loại bằng cấp mà chị được cơ quan có thẩm quyền của Malaysia cấp là loại văn bằng, chứng chỉ gì. Tuy nhiên, bản tư vấn sẽ tư vấn cả hai loại giấy tờ đang có quy định được thừa nhận sử dụng tại Việt Nam. Gồm:

Đối với trường hợp thừa nhận chứng chỉ hành nghề do nước ngoài cấp:

Điều 29 Luật khám chữa bệnh 2023 quy định như sau:

“Điều 29. Thừa nhận giấy phép hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp

1. Giấy phép hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được xem xét thừa nhận khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là bên ký kết; giấy phép hành nghề được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài mà cơ quan, tổ chức đó được Bộ Y tế đánh giá để thừa nhận theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Còn hiệu lực tại thời điểm đề nghị thừa nhận;

c) Có thông tin về chức danh chuyên môn và chức danh đó phải tương đương với một trong các chức danh chuyên môn quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 26 của Luật này”.

Như vậy, về quy định chung, Việt Nam đang có các quy định về việc thừa nhận Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh giữa các nước có thỏa thuận quốc tế hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc chứng chỉ được cấp bởi cơ quan, tổ chức nước ngoài mà cơ quan, tổ chức đó đã được Bộ y tế Việt Nam đánh giá để thửa nhận theo quy định.

Năm 2009, Việt Nam ký Thỏa thuận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Y. Theo đó, chứng chỉ hành nghề y do Malaysia cấp có thể được thừa nhận sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Điều 29 Luật khám chữa bệnh 2023.

Từ ngày 1/1/2024, Luật khám chữa bệnh 2023 có hiệu lực cũng đã có các quy định chi tiết hơn về thủ tục và hồ sơ để được thừa nhận chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của nước ngoài cấp (gọi là Giấy phép hành nghề). Theo đó, Điều 29 Luật khám chữa bệnh 2023 quy định để được thừa nhận các loại giấy phép hành nghề khám chữa bệnh do nước ngoài cấp, thì phải nộp hồ sơ tới Bộ y tế. Hồ sơ bao gồm đơn đề nghị thừa nhận giấy phép hành nghề và bản sao hợp lệ giấy phép hành nghề đã được cấp.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Bộ Y tế phải có văn bản trả lời về việc thừa nhận hoặc không thừa nhận giấy phép hành nghề; Trường hợp cần xác minh đối với việc đào tạo ở nước ngoài của người hành nghề thì thời hạn thừa nhận là 30 ngày kể từ ngày có kết quả xác minh.

Trường hợp thừa nhận Văn bằng cử nhân y tế do nước ngoài cấp:

Nếu chị chưa được cấp Chứng chỉ hành nghề y mà loại bằng cấp mà chị được cơ quan có thẩm quyền của Malaysia cấp thuộc Văn bằng cử nhân y khoa (tương đương với đào tạo đại học) thì văn bằng này cũng được thừa nhận sử dụng tại Việt Nam, nhưng phải thông qua kỳ kiểm tra đánh giá năng lực để cấp giấy phép hành nghề theo quy định tại Điều 8 Nghị định 96/2023/NĐ-CP.

Sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề, thì chị được quyền thành lập phòng khám chuyên khoa theo các điều kiện nêu tại Điều 49 Luật khám chữa bệnh 2023, Điều 67 Nghị định 96/2023/NĐ-CP.

Như vậy, cần làm rõ loại chứng chỉ/văn bằng mà chị được cấp tại Malaysia là loại văn bằng gì, bởi vì điều kiện mở phòng khám chuyên khoa tại Việt Nam đó là phải có Chứng chỉ hành nghề y.

  • Trường hợp chị đã được cấp chứng chỉ hành nghề y tại Malaysia thì nay có thể thực hiện thủ tục công nhận chứng chỉ này được sử dụng tại Việt Nam tại Bộ y tế.
  • Trường hợp chị chưa được cấp chứng chỉ hành nghề y nhưng được cấp văn bằng cử nhân y khoa, thì văn bằng này cũng được thừa nhận sử dụng tại Việt Nam theo các điều kiện đã tư vấn nêu trên. trường hợp này, để được thành lập phòng khám chuyên khoa tại Việt Nam thì chị cần xin cấp chứng chỉ hành nghề tại Sở y tế nơi hành nghề.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: congtyluatthang10@gmail.com 

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi