Di chúc bị thất lạc thì phân chia thừa kế như nào?

Di chúc bị thất lạc thì phân chia thừa kế như nào?

2024-12-06 10:18:13 42

Tôi cần tư vấn về vấn đề di chúc. Mẹ tôi hiện vẫn còn sống, đã li dị với ba tôi. Sau khi li dị thì mẹ tôi có toàn quyền sở hữu một căn nhà (có sổ hồng đứng tên bà đầy đủ, không có tên bố tôi). Bà có di chúc để lại toàn bộ tài sản của bà là 1 căn nhà cho một mình tôi (mẹ tôi có 2 người con riêng với chồng trước khi lấy bố tôi, bố và mẹ tôi chỉ có tôi là con chung, ngoài ra không có con nào khác). Bà có ra phòng công chứng làm giấy di chúc, có nhân viên công chứng đóng dấu đầy đủ, và di chúc đó được lập thành 3 bản chính, 2 bản do mẹ tôi giữ, 1 bản còn lại do phòng công chứng giữ. Mẹ tôi giao cho tôi giữ 1 bản chính, còn bản còn lại thì đã bị mất. Tôi xem trong bản di chúc thì có đề là "cả 3 bản có giá trị pháp lý như nhau". Như vậy cho tôi hỏi:

1. Nếu mẹ tôi mất, khi làm thủ tục thừa kế thì tôi chỉ cần đưa 1 bản chính di chúc thôi đúng không? Phòng công chứng sẽ không đòi cả 2 bản chính di chúc của mẹ tôi đúng không?

2. Trong trường hợp xấu nhất là nếu mẹ tôi mất, và tôi cũng làm mất nốt bản chính mình đang giữ. Thì tôi phải làm thế nào để có được bản di chúc lưu ở phòng công chứng, và thực hiện thủ tục thừa kế như thế nào?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi: 

Thứ nhất, mẹ anh lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng.

Theo thông tin cung cấp mẹ anh đã thực hiện lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng và hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ 1 bản di chúc của mẹ anh. Khi mẹ anh mất, anh cần cung cấp 1 bản di chúc của mẹ anh để tiến hành làm thủ tục hưởng di sản thừa kế, trong trường hợp xấu nhất là di chúc của mẹ mà mẹ và anh đang giữ đều bị mất, thất lạc và anh không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện của mẹ anh thì di sản thừa kế của mẹ anh sẽ được chia theo pháp luật. Cụ thể, tại Điều 642 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc bị thất lạc như sau:

“Điều 642. Di chúc bị thất lạc, hư hại

1. Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật

...”.

Theo đó, kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm mẹ anh mất) nếu như di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của mẹ anh và anh không cung cấp được bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của mẹ anh thì coi như không có di chúc và áp dụng chia di sản thừa kế của mẹ theo pháp luật (chia di sản thừa kế cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ anh bao gồm: bố, mẹ, chồng, các con, mỗi người được hưởng phần di sản bằng nhau).

Tuy nhiên, theo thông tin anh cung cấp thì 1 bản di chúc của mẹ anh đang được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng (được coi là bằng chứng chứng minh mẹ có lập di chúc xác định được ý nguyện đích thực của mẹ anh) thì khi tiến hành thủ tục hưởng di sản thừa kế anh có thể liên hệ tới tổ chức hành nghề công chứng nơi đang lưu giữ bản di chúc mẹ anh để xin cấp bản sao di chúc.

Thứ hai, thủ tục hưởng di sản thừa kế theo di chúc:

Để được hưởng di sản thừa kế theo di chúc anh cần thực hiện theo trình tự sau:

+ Bước 1: Những người thừa kế có thể họp mặt với nhau để thỏa thuận về các vấn đề như cử người quản lý, hình thức phân chia di sản, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên…, có lập thành văn bản theo quy định tại Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể:

“Điều 656. Họp mặt những người thừa kế

1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:

a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

b) Cách thức phân chia di sản.

2. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.

Điều 659. Phân chia di sản theo di chúc

1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản”.

+ Bước 2: Thực hiện công chứng văn bản khai nhận di sản.

Sau khi văn bản khai nhận di sản được lập thì anh (là người được hưởng di sản theo nội dung di chúc) có thể liên hệ tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện công chứng văn bản khai nhận di sản theo quy định tại Điều 58 Luật Công chứng 2014:

“Điều 58. Công chứng văn bản khai nhận di sản

1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

2. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản”.

Hồ sơ công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế bao gồm:

  • Văn bản khai nhận di sản thừa kế (bản chính);
  • Di chúc;
  • Giấy chứng tử của mẹ (bản sao có chứng thực);
  • Bản sao giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân của người hưởng thừa kế;
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

(Hồ sơ công chứng này sẽ được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở UBND xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó và tại UBND xã nơi có bất động sản.)

+ Bước 3: Đăng ký sang tên quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Thời điểm văn bản khai nhận di sản thừa kế được xác nhận thì người được hưởng theo nội dung di chúc thực hiện thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng. Hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
  • Văn bản khai nhận di sản thừa kế (văn bản đã công chứng);
  • Di chúc;
  • Chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu (bản sao công chứng);
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hưu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bản chính).

Khi thực hiện thủ tục hưởng di sản thừa kế theo di chúc anh chỉ cần cung cấp 1 bản di chúc của mẹ cho tổ chức hành nghề công chứng (không bắt buộc phải cung cấp đủ các bản di chúc).

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi