Đăng ký khai sinh cho con có hai quốc tịch

Đăng ký khai sinh cho con có hai quốc tịch

2024-10-02 10:48:46 79

Tôi quốc tịch Việt Nam, chồng tôi quốc tịch Đài Loan đã đăng ký kết hôn hợp pháp. Chúng tôi hiện đang làm thủ  tục khai sinh cho con ở Việt Nam.

  1. Khi lựa chọn quốc tịch Đài Loan cho con thì tôi có thể nhập quốc tịch Việt Nam cho con được luôn không?
  2. Nếu lựa chọn quốc tịch Việt Nam, tôi muốn đặt tên cho con tiếng nước ngoài có được không?
  3. Thủ tục đăng ký khai sinh cho con như thế nào?
  4. Trường hợp tôi lựa chọn quốc tịch Đài Loan cho con, sau đó chồng tôi nhập quốc tịch Việt Nam thì tôi  có  thể đồng thời nhập quốc tịch cho VIệt Nam cho con được không?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Thứ nhất, về lựa chọn quốc tịch khi khai sinh cho con.

Trường  hợp bố hoặc mẹ là công dân nước ngoài thì phải có văn bản lựa chọn quốc tịch cho con tại thời điểm đăng ký khai sinh. Nếu bố mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam thì con sẽ có quốc tịch Việt Nam.

Ngược lại, nếu bố mẹ lựa chọn quốc tịch Đài Loan cho con thì xác định cháu bé là người có quốc tịch nước ngoài. Lúc này, muốn nhập thêm quốc tịch Việt Nam cho con thì cần đáp ứng các điều kiện nhập quốc tịch.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 19 Luật quốc tịch 2008 quy định điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam như sau:

“1. Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

c) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;

d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;

đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.

4. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

....”

Theo quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 19 nêu trên, đối với trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam có mẹ là công dân Việt Nam, thì vẫn phải đáp ứng điều kiện đó là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam, tức là phải đủ 18 tuổi trở lên. 

Thứ hai, về đặt tên cho con nếu lựa chọn quốc tịch Việt Nam tại thời điểm đăng ký khai sinh.

Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật dân sự 2015, tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt, hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam;. Do đó, nếu tại thời điểm đăng ký khai sinh cho con mà bố mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam, thì phải đặt tên cho con bằng tiếng Việt, không được đặt bằng tiếng nước ngoài.

Trường hợp lựa chọn quốc tịch Đài Loan thì được xác định là công dân nước ngoài, sẽ không bị hạn chế về việc đặt tên bằng tiếng Việt nêu tại Điều 26 Bộ luật dân sự, tức là có thể đặt  tên bằng tiếng nước ngoài cho con.

Thứ ba, về thủ tục đăng ký khai sinh cho con.

Thẩm quyền đăng ký khai sinh: UBND cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ.

Theo quy định tại Điều 35 Luật hộ tịch 2015, trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là công dân nước ngoài  thì sẽ thực hiện đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi cư trú của cha hoặc mẹ.

Hồ sơ đăng ký khai sinh, gồm:

  • Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu tại Thông tư 04/2020/TT-BTP;
  • Giấy chứng sinh của con, trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;
  • Văn bản thỏa thuận của bố mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con. Nếu lựa chọn cho con mang quốc tịch Đài Loan thì văn bản thỏa thuận này phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Đài Loan.

Thứ tư, về việc nhập quốc tịch Việt Nam cho con đồng thời khi người bố nhập quốc tịch Việt Nam.

Điều kiện để chồng của chị nhập quốc tịch Việt Nam đó là cần đáp ứng các điều kiện nêu tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 19 Luật quốc tịch, gồm:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 35 Luật quốc tịch 2008:

“1.Khi có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ.

2. Khi chỉ cha hoặc mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sinh sống cùng với người đó cũng có quốc tịch Việt Nam hoặc mất quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ.

...”

Hơn nữa, theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 10 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, thì đối với con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha, sẽ cần nộp kèm theo hồ sơ là Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con, phải nộp kèm theovăn bản thỏa thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận không phải chứng thực chữ ký; người đứng đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia.

Như vậy, theo các quy định này, nếu chỉ thực hiện thủ tục nhập quốc tịch cho con chưa thành niên thì không thể thực hiện riêng lẻ được vì không đáp ứng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 19 Luật quốc tịch. Tuy nhiên, con chưa thành niên vẫn có thể nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời với việc nhập quốc tịch theo cha. Trong trường hợp này, phải có văn bản thỏa thuận về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con theo hướng dẫn tại điểm c, khoản 1 Điều 10 Nghị định 16/2020/NĐ-CP.

Lưu ý, theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật quốc tịch 2008, người xin nhập quốc tịch Việt Nam vẫn phải có tên gọi Việt Nam, tuy nhiên không có quy định về việc từ bỏ tên nước ngoài. Tên gọi bằng tiếng Việt Nam này được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Về việc có phải thôi quốc tịch Đài Loan khi nhập quốc tịch Việt Nam hay không?

Khoản 3 Điều 19 Luật quốc tịch quy định rằng người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.

Tức là để được giữ quốc tịch nước ngoài, thì vừa phải thuộc trường hợp tại khoản 2 Điều 19 Luật quốc tịch, vừa phải thuộc trường hợp đặc biệt và được Chủ tịch nước cho phép.

Trường hợp đặc biệt để được giữ quốc tịch nước ngoài, được hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định 16/2020/NĐ-CP. Theo đó, khi chồng và con của chị xin nhập quốc tịch Việt Nam, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây và được trình Chủ tịch nước xem xét việc cho nhập quốc tịch Việt Nam thì không phải thôi quốc tịch nước ngoài:

1. Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

2. Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

3. Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.

4. Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.

5. Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, để giữ quốc tịch Đài Loan thì con và chồng của chị cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên và được Chủ tịch nước cho phép.

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi