Công ty mẹ và công ty con cùng góp vốn để thành lập doanh nghiệp có được không?

Công ty mẹ và công ty con cùng góp vốn để thành lập doanh nghiệp có được không?

2024-11-06 14:02:16 113

Theo quy định của  pháp luật doanh nghiệp, công ty mẹ và công ty con cùng góp vốn để thành lập công ty con khác thì có được không?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:

Trường hợp công ty mẹ không phải là doanh nghiệp nhà nước:

Điều 195 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:

“Điều 195. Công ty mẹ, công ty con

1. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;

b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;

c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

2. Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

3. Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp mới theo quy định của Luật này.”

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 195 Luật doanh nghiệp nêu trên, đối với trường hợp công ty mẹ không phải là doanh nghiệp nhà nước, thì pháp luật chỉ nghiêm cấm: Công ty con mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ; Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

Như vậy, Luật doanh nghiệp 2020 không cấm công ty mẹ và công ty con cùng góp vốn để thành lập doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng, giả sử:

A: là công ty mẹ;

A1: là công ty con của A.

Công ty A và A1 cùng góp vốn thành lập công ty A2. Thì cần làm rõ nếu hậu quả sau khi thành lập dẫn đến việc công ty  A2 là công ty con của công ty A. Lúc  này, A1 và A2 là các công ty con của cùng một công ty mẹ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 195 Luật doanh nghiệp, A1 và A2 không được đồng thời góp vốn để sở hữu chéo lẫn nhau.

Sở hữu chéo lẫn nhau tức là A1 và A2 đồng thời cùng sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau. Trường hợp chỉ có công ty  A1 sở hữu phần vốn góp của công ty A2, còn công ty A2 không đồng thời sở hữu phần vốn góp trong công ty A1, thì giữa A1 và A2 không được coi là sở hữu chéo lẫn nhau, nhưng lưu ý trong quá trình hoạt động, công ty A2 không được góp vốn vào công ty A1 và 2 công ty này không được góp vốn vào công ty A.

Trường hợp công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014.

“3. Các trường hợp không được đầu tư ra ngoài doanh nghiệp:

a) Góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của doanh nghiệp;

b) Góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.”

Theo quy định trên, nếu công ty mẹ là công ty nhà nước, thì không được phép cùng công ty con góp vốn để thành lập doanh nghiệp khác.

Tóm lại, trường hợp công ty mẹ không phải doanh nghiệp Nhà nước thì công ty mẹ và công ty con được quyền cùng góp vốn để thành lập công ty con khác. Còn trường hợp công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước, thì công ty mẹ không được cùng công ty con góp vốn thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,

Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi