Em khi khai sinh theo dân tộc bố là dân tộc Kinh, nhưng khi đến 14 tuổi thì bố mẹ em đã chuyển em từ dân tộc Kinh của bố sang dân tộc Nùng của mẹ. Lên 18 tuổi vì mong muốn và biết rằng việc thay đổi về dân tộc của bố là hoàn toàn đúng với pháp luật, và pháp luật không có quy định giới hạn số lần thay đổi dân tộc nên em đã lên UBND và yêu cầu thay đổi dân tộc về dân tộc Kinh của bố. Bên ủy ban đã từ chối với lí do là em đã đổi dân tộc 1 lần, khi em đính chính là pháp luật không có giới hạn về việc số lần đổi dân tộc thì họ đã từ chối với lí do em thay đổi dân tộc đã trục lợi trong khi việc thay đổi dân tộc về dân tộc Kinh của bố không vì mục đích trục lợi. Em phải làm gì để đổi lại dân tộc giờ thưa luật sư?
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:
Đối với vấn đề thay đổi dân tộc của công dân, tại Điều 29 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về quyền xác định, xác định lại dân tộc như sau:
“1. Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình.
…
3. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:
a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;
…”
Căn cứ theo quy định pháp luật nêu trên thì quyền xác định dân tộc là quyền của công dân, pháp luật cho phép công dân được quyền thay đổi dân tộc của mình khi có căn cứ theo quy định. Bên cạnh đó, hiện nay cũng không có quy định nào của pháp luật quy định giới hạn số lần xác nhận lại dân tộc của công dân.
Tuy nhiên, quy định nêu trên cũng không đồng nghĩa với việc yêu cầu xác định dân tộc nào của công dân cũng được cơ quan nhà nước chấp nhận. Bởi lẽ, tại Khoản 5 Điều 29 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau: “5. Cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.”
Căn cứ theo quy định này thì cơ quan có thẩm quyền có thể không đồng ý xác định lại dân tộc cho công dân nếu có căn cứ cho rằng việc xác định lại dân tộc này nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến các dân tộc Việt Nam. Hiện nay chưa có quy định nào ghi nhận cụ thể các trường hợp được cho là trục lợi khi xác định lại dân tộc, việc xác định có trục lợi hay không còn phụ thuộc vào từng trường hợp khi yêu cầu thay đổi của công dân trên thực tế.
Đối chiếu với trường hợp của anh, nếu cơ quan hộ tịch tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ có căn cứ cho rằng việc đổi từ dân tộc Kinh sang dân tộc Nùng, sau đó đổi lại dân tộc Kinh của anh là nhằm mục đích trục lợi ví dụ như để hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước với dân tộc thiểu số hoặc để hưởng chế độ nào đó đối với dân tộc thiểu số theo quy định tại địa phương… thì việc cơ quan hộ tịch không đồng ý xác định lại dân tộc cho anh là có căn cứ theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp cán bộ hộ tịch đã trả lời lí do không đồng ý xác định lại dân tộc cho anh nhưng anh cho rằng việc cán bộ hộ tịch trả lời không có căn cứ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của anh thì anh được quyền khiếu nại về vấn đề này. Theo quy định của pháp luật, trường hợp xác định lại dân tộc thuộc thẩm quyền của cơ quan hộ tịch cấp quận (huyện) do vậy anh có quyền gửi đơn khiếu nại đến Ủy ban nhân dân cấp quận (huyện) nơi anh đang yêu cầu xác định lại dân tộc để yêu cầu xem xét giải quyết.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: