Các loại phụ cấp của nhà giáo khi chuyển đổi công tác

Các loại phụ cấp của nhà giáo khi chuyển đổi công tác

2024-09-10 11:23:28 82

Tôi là giáo viên THPT hạng  III, hệ số lương 3,66; phụ cấp nghề giáo 30%, thâm niên 15%, lãnh đạo (tổ trưởng chuyên môn) 0,25%. Ngày 19/7/2021, tội nhận quyết định chuyển lên làm việc tại Trung tâm Chính trị huyện Phù Cát. Kế toán Trung tâm nói với tôi, lương tháng 8 của tôi sẽ giảm so với lương cũ  vì cắt 30% đứng lớp, 15%  phụ cấp thâm  niên, 0,25% phụ cấp chức vụ vì tôi chưa đủ điều kiện giảng dạy.

Câu hỏi 1: Tôi có được bảo lưu 06 tháng  phụ cấp 30% đứng lớp, 15%  phụ cấp thâm  niên, 0,25% phụ cấp chức vụ không? Căn cứ văn bản, quy định nào?

Câu  hỏi 2: Theo quy định, phải có Trung cấp Lý luận chính trị trở lên mới trở thành giảng viên chuyên trách của Trung tâm, là giảng viên chuyên trách mới được giảng bài, báo cáo nghị quyết, có được giảng bài mới  được tính 30% đứng lớp, 15% thâm niên của tôi. Tôi chưa có Trung cấp Lý luận chính trị (có sơ cấp, học xong Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam), đang làm  việc tại Trung tâm Chính trị huyện, vậy tôi có được  hưởng 30% đứng lớp, 15% thâm niên khi đang  làm việc tại trung tâm không  hay  bị cắt ngay, hay sau thời gian bảo lưu 06 tháng sẽ cắt đến khi có Trung cấp Lý luận chính trị ( giảng viên chuyên trách, được giảng bài) mới tính?  Căn cứ văn bản, quy định nào?

Câu 3: Tôi đang là Viên chức của Trung tâm chính trị huyện, giờ chuyển sang Công chức (chuyên viên Ban Tuyên giáo) cùng huyện phải thông qua những thủ tục nào? Văn bản quy định?

Cảm ơn luật sư!

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

1. Về phụ cấp ưu đãi nghề giáo

Theo quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDDT-BNV-BTC thì phạm vi và đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi gồm:

a) Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật);

b) Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm;

c) Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền”.

Như vậy, anh chỉ được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nếu thuộc một trong các đối tượng nêu trên. Trường hợp sau khi chuyển công tác về Trung tâm Chính trị huyện Phù Cát anh không trực tiếp giảng dạy thì không còn thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề giáo.

Về việc bảo lưu phụ cấp ưu đãi sau khi chuyển công tác được quy định tại Điều 1 Quyết định số 42/2011/QĐ-TTg (Quyết định hết hiệu lực ngày 03/01/2020) như sau:

Bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập có quyết định điều động, biệt phái, luân chuyển (sau đây gọi chung là điều động) có hiệu lực trong thời gian từ ngày 01 tháng 9 năm 2010 đến ngày 31 tháng 5 năm 2015 về công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Phòng Giáo dục và Đào tạo); các Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Sở Giáo dục và Đào tạo) mà không giữ chức vụ lãnh đạo và không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, nhằm hỗ trợ nhà giáo khắc phục khó khăn trong thời gian đầu thực hiện quyết định điều động”.

Như vậy, phụ cấp ưu đãi chỉ được bảo lưu đối với trường hợp nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập có quyết định điều động có hiệu lực trong thời gian từ 01/9/2010 đến ngày 31/5/2015 về công tác tại Phòng giáo dục và Đào tạo hoặc Sở giáo dục và đào tạo mà không giữ chức vụ lãnh đạo và không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Thời gian bảo lưu phụ cấp ưu đãi tối đa 36 tháng.

Do vậy, trường hợp anh là giáo viên THPT hạng III, tháng 7/2021 anh nhận quyết định chuyển lên làm việc tại Trung tâm Chính trị huyện không còn trực tiếp giảng dạy nên không thuộc trường hợp được bảo lưu phụ cấp ưu đãi. Quyết định số 42/2011/QĐ-TTg cũng đã hết hiệu lực từ ngày 03/01/2020. Hiện nay không có quy định về việc bảo lưu phụ cấp ưu đãi đối với trường hợp chuyển công tác của anh.

2. Phụ cấp thâm niên nhà giáo

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 77/2021/NĐ-CP Quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo thì:

Nghị định này áp dụng đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập) đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bao gồm:

1. Nhà giáo gồm viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (mang mã số có các ký tự đầu là V.07) và viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (mang mã số có các ký tự đầu là V.09) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).

2. Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập.

3. Các đối tượng không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà giữ mã số có các ký tự đầu là V.07 và V.09 không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo”.

Trường hợp anh công tác tại Trung tâm Chính trị huyện Phù Cát, không trực tiếp giảng dạy nên không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Hiện nay chưa có văn bản chính sách nào quy định hoặc hướng dẫn giáo viên được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo khi chuyển công tác đến đơn vị khác không còn trực tiếp giảng dạy. Do đó anh sẽ không được bảo lưu chế độ phụ cấp này.

3. Phụ cấp chức vụ lãnh đạo

Theo thông tin anh cung cấp, anh đang hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 0,25% theo quy định tại Thông tư số 33/2005/TT-BGDĐT. Trường hợp anh chuyển công tác sang đơn vị khác và thôi giữ chức vụ lãnh đạo, khi sang cơ quan mới không giữ chức vụ thì được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo theo quy định tại Tiết c4 Điểm c, khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2005/TT-BNV: “c4) Các trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) còn lại ngoài các trường hợp tại các tiết c1, c2 và c3 nêu trên, được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng kể từ ngày có quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo; từ tháng thứ 7 trở đi thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo”.

Như vậy: Trường hợp của anh không được bảo lưu phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên (thôi hưởng kể từ ngày chuyển công tác và không trực tiếp giảng dạy). Đối với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, anh được bảo lưu trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày có quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo, từ tháng thứ 7 trở đi thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Khi anh đủ điều kiện để trở thành giảng viên chuyên trách, trực tiếp tham gia giảng dạy thì được xét hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) theo quy định của pháp luật.

4. Điều kiện và thủ tục chuyển từ viên chức sang công chức

Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định:

Điều 18. Tiếp nhận vào làm công chức

1. Đối tượng tiếp nhận:

a) Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;

2. Tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận:

Căn cứ yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được quyền xem xét, tiếp nhận vào làm công chức đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu đáp ứng đủ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

a) Trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này phải có đủ 05 năm công tác trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn, kể cả thời gian công tác nếu có trước đó ở vị trí công việc thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này) làm công việc có yêu cầu trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển;

3. Hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận vào làm công chức:

a) Sơ yếu lý lịch công chức theo quy định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận, có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;

b) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;

Trường hợp người được đề nghị tiếp nhận có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ hoặc tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Trường hợp người được đề nghị tiếp nhận đáp ứng yêu cầu miễn phần thi ngoại ngữ hoặc tin học quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

c) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận;

d) Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

4. Hội đồng kiểm tra, sát hạch:

a) Khi tiếp nhận các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này vào làm công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch. Thành phần Hội đồng kiểm tra, sát hạch được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này.

b) Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng kiểm tra, sát hạch:

Kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;

Tổ chức sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận;

Báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý công chức về kết quả kiểm tra, sát hạch.

c) Nội dung sát hạch phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển để xây dựng. Hình thức sát hạch là phỏng vấn hoặc viết hoặc kết hợp phỏng vấn và viết. Hội đồng kiểm tra, sát hạch chịu trách nhiệm xây dựng nội dung sát hạch, đề xuất hình thức và cách thức xác định kết quả sát hạch, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định trước khi tổ chức sát hạch.

d) Hội đồng kiểm tra, sát hạch làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, sát hạch đã biểu quyết. Hội đồng kiểm tra, sát hạch tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

đ) Không bố trí những người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người được tiếp nhận vào làm công chức hoặc của bên vợ (chồng) của người được tiếp nhận vào làm công chức; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người được tiếp nhận vào làm công chức hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên Hội đồng kiểm tra, sát hạch.

…”

Như vậy, trường hợp anh đang là viên chức đơn vị sự nghiệp công lập nếu đủ điều kiện theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 18 nêu trên thì được xem xét tiếp nhận vào làm công chức. Khi đủ điều kiện, anh có thể lập hồ sơ theo Khoản 3 Điều 18 và gửi đơn vị quản lý viên chức xem xét giải quyết.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi