Bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác bị xử lý như nào?

Bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác bị xử lý như nào?

2024-09-17 09:30:47 80

Em phát hiện chồng mình có những tin nhắn, cuộc nói chuyện vô cùng nhạy cảm với một người mà em cũng biết. Sau khi biết, em đã gọi chồng em đến hỏi về những tin nhắn đó, chồng em có thừa nhận. Bọn em đã gặp và nói chuyện với nhau trước đó trên cơ sở hợp tác làm ăn. Em đã rất mất cân bằng khi sự việc này xảy ra. Em đã nhắn tin, gọi điện cho chị này nhưng không hề được hồi đáp. Em đã nhắn tin lên page của công ty để nhằm làm rõ sự việc này, cũng gọi điện cho một số người thân chị này để yêu cầu chị đó gặp em làm rõ vấn đề, nhưng không có hồi đáp. Và giờ chị đó đang yêu cầu em xin lỗi vì xúc phạm bôi nhọ danh dự, nếu không sẽ kiện em lên toà. Em có gửi file kèm theo. Em muốn hỏi với những gì em đang có thì chị đó có đang vi phạm luật hôn nhân gia đình không, nếu gia đình em đổ vỡ. Và sự việc này sẽ diễn biến như thế nào nếu 2 bên không thể hoà giải với nhau. Em mong được tư vấn sâu hơn ạ.

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Theo thông tin chị cung cấp, sau khi phát hiện chồng chị có cuộc nói chuyện nhạy cảm với một người khác, chị đã nhắn tin lên page của công ty để nhằm làm rõ sự việc này, cũng gọi điện cho một số người thân chị này để yêu cầu chị đó gặp em làm rõ vấn đề. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm

Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác được hiểu là việc một người dùng những lời lẽ chửi bới, lăng mạ, đưa các thông tin sau sự thật lên mạng, viết bài có nội dung bôi nhọ, làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Khi xảy ra sự việc đăng tải thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Trường hợp cá nhân bị thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Đối chiếu với trường hợp của chị, nếu như hành vi nhắn tin lên page của công ty và gọi điện cho một số người thân của người phụ nữ đó có kèm theo những lời nói chửi bới, lăng mạ, đưa ra các thông tin sai sự thật, có nội dung bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác thì khi đó chị sẽ phải thực hiện theo quy định trên là: Xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại (nếu có).

Trường hợp hai bên không thể thỏa thuận với nhau về sự việc nêu trên mà chị đó có làm đơn gửi đến cơ quan công an để giải quyết thì căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi gây ra mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

...

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này;

...

Mức xử phạt từ 2.000.000 đồng – 3.000.000 đồng. Trường hợp hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nếu được thực hiện thông qua mạng xã hội (facebook, zalo…) thì mức xử phạt sẽ căn cứ theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:

Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

...

Thứ hai, về vấn đề chị đó có vi phạm Luật hôn nhân và gia đình không?

Theo quy định tại Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về các hành vi bị cấm để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình như sau:

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

….

Như vậy, nếu có một trong các hành vi thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì được coi là vi phạm Luật hôn nhân và gia đình. Hành vi chung sống như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng dược hiểu là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng (khoản 7 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

Đối chiếu với trường hợp của chị, nếu chị đó và chồng chị chỉ nói chuyện nhạy cảm mà không có hành vi tổ chức cuộc sống chung như vợ chồng thì trong trường hợp này chưa vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và chưa có chế tài xử lý. Chỉ khi nào chồng chị và chị đó ngoài việc nói chuyện với nhau còn có hành vi sống chung như vợ chồng thì khi đó mới có thể đưa về trường hợp vi phạm theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi